Khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ

Thứ Sáu, 19/06/2020, 15:02

Ngày 19/6 tại Hà Nội, Bộ Công thương (Cục Công nghiệp) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức “Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.

 Hệ thống được xây dựng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác. 

Đến nay, Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, gồm có 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ


Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP hay mới đây nhất là EVFTA”.

Các đại biểu bấm nút khởi động Hệ thống CSDL

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống CSDL, mở rộng thông tin dữ liệu của nhiều ngành hàng và tiếp tục phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận, thúc đẩy hợp tác, góp phần đưa ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Lưu Hiệp
.
.
.