Đề nghị truy tố Phó tổng giám đốc Công ty lương thực Hậu Giang và 5 đồng phạm

Thứ Hai, 03/10/2016, 20:51
Ngày 3-10, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần (CP) Lương thực Hậu Giang...


Đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 6 bị can, gồm: Huỳnh Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lương thực Hậu Giang; Võ Trường Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Hậu Giang; Trần Xuân Mãi, nguyên Kế toán trưởng; Lê Trần Quang Thái, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh; Đặng Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc công ty này và Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà.

Theo kết luận điều tra, HĐQT Công ty CP Lương thực Hậu Giang được thành lập năm 2008, có vốn điều lệ 54 tỉ đồng, gồm các cổ đông: Tổng Công ty lương thực Miền Nam góp vốn 53,28 %; UBND tỉnh Hậu Giang góp 46,39%, còn lại là Hợp tác xã Vị Đông I góp 0,33% vốn điều lệ. 

Năm 2013, Võ Trường Hùng đã tự ý đàm phán, thỏa thuận và ký hợp đồng ngoại thương với nội dung bán cho  Công ty MT CENTERTRADE CO.LTD (Thái Lan) 100 nghìn tấn gạo trị giá 41,7 triệu USD, tương đương hơn 686 tỉ đồng. 

Trong khi theo quy định của Công ty CP Lương thực Hậu Giang thì các hợp đồng mua bán có giá trị từ 40% tổng tài sản của công ty trở lên thì phải được HĐQT đồng ý thì Tổng giám đốc mới được ký kết. Thời điểm ký hợp đồng, tổng tài sản của Công ty CP Lương thực Hậu Giang là hơn 649 tỉ đồng. 

Để có nguồn hàng thực hiện hợp đồng ngoại thương nêu trên, Võ Trường Hùng đã ký 14 hợp đồng mua 109.200 tấn gạo các loại của Công ty Võ Thị Thu Hà, đồng thời chuyển trước cho công ty này 90% giá trị hợp đồng, tương đương hơn 606,9 tỉ đồng. 

Sau đó, Công ty CP Lương thực Hậu Giang đã thanh lý hợp đồng và quyết toán 14 hợp đồng với số lượng 109,113 tấn gạo các loại, tổng trị giá hơn 944 tỉ đồng. Trên thực tế, Công ty CP Lương thực Hậu Giang chỉ nhận được 23.363 tấn gạo với trị giá hơn 212 tỉ đồng vì Công ty Võ Thị Thu Hà không có gạo để giao. 

Thay vì yêu cầu Công ty Võ Thị Thu Hà chuyển trả lại tiền, Võ Trường Hùng lại thống nhất, bàn bạc với Võ Thị Thu Hà lập chứng từ quyết toán khống  việc mua số gạo chưa nhận được bằng cách lập ra 5 hợp đồng bán gạo khống số gạo này cho Công ty Võ Thị Thu Hà. 

Việc làm của Võ Trường Hùng đã gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần lương thực Hậu Giang và để Công ty Võ Thị Thu Hà hưởng lợi 27,7 tỉ đồng do giá gạo bán lại thấp hơn giá mua vào.

Sau đó, mặc dù Tổng công ty Lương thực Miền Nam đã chấn chính và có văn bản yêu cầu Công ty CP Lương thực Hậu Giang hạn chế mua hàng gửi kho ngoài của Công ty Võ Thị Thu Hà. 

Tại các cuộc họp HĐQT, Võ Trường Hùng đã cam kết không tiếp tục vi phạm nhưng sau đó vẫn cấu kết cùng Võ Thị Thu Hà ký các hợp đồng mua bán khống nhằm mục đích chuyển tiền của Công ty Cổ phần lương thực Hậu Giang cho Công ty Võ Thị Thu Hà sử dụng. Việc làm này của Hùng đã gây thiệt hại thêm cho Công ty hơn 172 tỉ đồng.

Đối với 5 bị can tại Công ty CP Lương thực Hậu Giang, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Võ Trường Hùng đã có hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Các bị can Nguyễn Xuân Mãi, Nguyễn Quang Thái có vai trò đồng phạm với Hùng. Bị can Huỳnh Văn Thông  và Đặng Hoàng Việt đã tin tưởng vào cấp dưới, thiếu kiểm tra giám sát để cho Võ Trường Hùng và các cá nhân lập các hợp đồng mua bán khống gây thiệt hại cho Công ty đã cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bị can Võ Thị Thu Hà đã lợi dụng vào sự quen biết, tin tưởng của Võ Trường Hùng đã ký các hợp đồng mua bán gạo khống, sau đó thực hiện các hành vi gian dối chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỉ đồng, phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Đào Minh Khoa
.
.
.