Huyện biên giới vững tin làm du lịch

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:40
Tây Giang có nhiều làng bản độc đáo theo văn hóa làng truyền thống Cơtu, tạo cho du khách thuận lợi sinh hoạt cộng đồng (homestay), nghỉ dưỡng, thăm cửa khẩu biên giới Việt-Lào, nghiên cứu văn hóa bản địa, rừng nguyên sinh…


Nói về tiềm năng du lịch Tây Giang - một huyện sát biên giới Việt – Lào, ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy, cho rằng, đất rừng này còn lưu giữ nhiều chứng tích cổ xưa độc đáo, như chữ cổ khắc trên đá ở suối Achia, trống đồng Đông Sơn… Ngoài ra, còn có ruộng bậc thang, các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như gốm, đan lát, dệt, ẩm thực. 

Trong kháng chiến, Tây Giang là căn cứ địa cách mạng nên còn lưu giữ nhiều đoạn đường nguyên sơ của Đường Trường Sơn huyền thoại, địa đạo… cũng là điểm đến cho du khách, nhất là giới trẻ đến học tập, tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của đồng bào miền núi. 

Tây Giang còn có nhiều làng bản  độc đáo theo văn hóa làng truyền thống Cơtu, tạo cho du khách thuận lợi sinh hoạt cộng đồng (homestay), nghỉ dưỡng, thăm cửa khẩu biên giới Việt-Lào, nghiên cứu văn hóa bản địa, rừng nguyên sinh… 

“Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Tây Giang còn mới mẻ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các bước đi trong đầu tư, kêu gọi thu hút du khách đến với Tây Giang phải từng bước, kiên trì, thận trọng, triển khai từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều; có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Tương lai phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển”, ông Bhriu Liếc nói.
Làng truyền thống Cơtu ở Tây Giang là một trong những điểm thu hút khách du lịch.

Theo các cán bộ lãnh đạo huyện Tây Giang, phát triển du lịch ở Tây Giang được xác định chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực, như du lịch văn hóa cộng đồng, sinh thái, leo núi, lịch sử và nghỉ dưỡng. Đồng thời, phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ phụ trợ cho phát triển du lịch, tạo sản phẩm địa phương phong phú và đa dạng. Từ đó có hướng phấn đấu xây dựng Tây Giang  đến trở thành một trong những vùng du lịch phía Tây của Quảng Nam, để sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, lý thú cho du khách. 

Từ tháng 9/2014, sau khi Huyện ủy Tây Giang có Nghị quyết số 17 về phát triển du lịch, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức  quán triệt, triển khai thực hiện cho cán bộ chủ chốt của huyện và xã, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng trong đảng viên và nhân dân, qua đó, đã nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với sự phát triển chung của huyện. 

Công tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện từng bước có những chuyển biến rõ rệt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tư vấn và hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư về lĩnh vực phát triển du lịch trên địa bàn. Công tác khảo sát, quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch được chú trọng, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Tây Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Đáng chú ý là việc lập hồ sơ trùng tu, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh cũ đi vào địa đạo Axòo đến cột mốc 678 và đã được công nhận Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là di tích quốc gia đặc biệt. 

Bên cạnh đó, kêu gọi, huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư phát triển du lịch; trong đó đã tạo cơ chế cho Công ty CP Việt Thiên Phú  đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp; bàn giao làng truyền thống Cơtu huyện cho công ty này để quản lý, khai thác phát triển du lịch, thỏa thuận địa điểm cho xây dựng 150 phòng nghỉ dưỡng cao cấp và nhiều hạng mục công trình khác có liên quan. 

Tổ chức khảo sát phát dọn tuyến đường công vụ, lắp đặt 2 nhà vọng cảnh trên đỉnh núi cao với độ cao 2.005m so với mực nước biển để xây dựng điểm du lịch; mở 6km đường vào khu rừng Pơmu, đầu tư xây dựng làng sinh thái Pơmu, nhà bia cây Di sản; xây dựng nhà Bảo tàng dân tộc Cơtu, do ông Rehahn người Pháp tài trợ, xây dựng Đài tưởng niệm Axòo, xã Anông,  xây dựng làng du lịch sinh thái tại Azứt, xã Bhalêê... 

Đặc biệt, mở rộng tuyến đường cho khách vào tham quan thác Rcung, tạo thành điểm tham quan du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để đảm bảo nhu cầu lưu trú qua đêm tại làng sinh thái Pơmu, điểm dừng chân Aliêng và làng truyền thống Cơtu huyện...

Nếu như năm 2014, mới có 800 lượt du khách đến Tây Giang, thì năm 2019 đã có gần 20 nghìn lượt khách đến Tây Giang vui chơi, nghỉ dưỡng. Thời gian gần đây, các công ty lữ hành du lịch phối hợp với huyện đã tổ chức các tour du lịch từ Hội An, Đà Nẵng đến tham quan các điểm du lịch, như thác Rcung, Đường Hồ Chí Minh cũ, địa đạo Axòo, làng truyền thống Cơtu, suối Trlêê, thôn Pơrning, đỉnh núi Quế cao 1.369m so với mực nước biển, đỉnh Klang, eo Aliêng, ruộng bậc thang Chuôr... 

Điều đó càng tạo cho lãnh đạo và người dân huyện biên giới Tây Giang có cơ sở vững tin hơn trong việc xây dựng quy hoạch, phát triển những tiềm năng du lịch sẵn có của đất rừng biên giới. Tây Giang đã từng bước phát triển du lịch gắn với lợi ích cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Thanh Hà
.
.
.