Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2021

Thứ Hai, 04/01/2021, 07:56
Năm 2020 với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng dương, doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất và có những tín hiệu khả quan hơn.

Doanh nghiệp lạc quan hơn

Thời gian qua, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các thị trường bị ảnh hưởng, tuy nhiên, các DN vẫn nhìn thấy cơ hội và đã bước đầu tận dụng được các ưu đãi từ các FTA mang lại, đặc biệt là từ EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) quý IV-2020 cho thấy, có tới 75,3% số DN ngành chế biến, chế tạo cho rằng tình hình SXKD quý IV-2020 so với quý III-2020 của DN tốt lên và giữ ổn định. Dự báo quý I-2021 so với quý IV-2020 với 81,0% số DN dự báo tình hình SXKD của DN sẽ tiếp tục giữ ổn định. Trong khi đó, có 74,8% DN nhận định lao động trong DN xây dựng tăng và không đổi so với quý III-2020.

Theo dự báo của các DN hoạt động ngành xây dựng quý I-2021, nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tăng so với quý IV-2020, với 78,4% DN cho rằng quy mô lao động tăng và không đổi. Đây là những tín hiệu tích cực đối với thị trường và DN để bước vào năm 2021 với những kỳ vọng tươi sáng hơn, ngành sản xuất tốt, giữ đà xuất khẩu (XK) sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho rằng, năm 2021, ngành dệt may sẽ đón nhận những tín hiệu tốt hơn. Trong năm 2020, hàng loạt FTA đi vào giai đoạn thực thi và hoàn tất quá trình ký kết như: Hiệp định EVFTA, RCEP, hay mới đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Các hiệp định này tạo ra cho ngành dệt may một nền tảng thương mại bền vững và có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đơn cử như châu Âu đã cho phép chúng ta mua nguyên liệu vải từ Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất rồi XK vào EU mà vẫn được hưởng thuế suất 0%. Từ đó, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt từ 38 - 38,5 tỷ USD kim ngạch XK trong năm 2021.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau, quả Việt Nam cũng cho biết, năm 2020, XK rau, quả đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Trong năm 2021, khi các thị trường quan trọng phục hồi, nhu cầu thị trường tăng lên, hoạt động thông thương tốt hơn sẽ thúc đẩy XK, theo đó XK rau, quả cũng sẽ tăng lên.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, thủy sản đang khai thác tốt cơ hội từ FTA. Đáng chú ý, từ tháng 8-2020, sau khi EVFTA có hiệu lực, XK vào EU có xu hướng tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2019 khi tăng 15-30%. Theo đó, XK thủy sản cả năm 2020 đạt 8,58 tỷ USD. Triển vọng năm 2021, khi các mặt hàng XK chính như cá tra, hải sản và tôm chế biến tiếp tục được giảm thuế, giá trị thủy sản Việt Nam sang EU sẽ duy trì tăng trưởng tốt hơn những tháng cuối năm 2020.

Ngoài EVFTA, CPTPP và các FTA khác với những thị trường lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN đều đang tác động tốt đến XK thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong nước.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp nhanh chóng giải quyết các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Trên thực tế, năm 2020, nhiều DN đã chủ động vượt khó, nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các DN đã cố gắng có đơn hàng, dù nhỏ để bảo đảm việc làm, có thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bước vào năm 2021, theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm để các DN nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra.

Để định hướng trước những biến động và thích ứng với trạng thái bình thường mới, các DN cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến sự thay đổi trong DN. Việc tái thiết là cần thiết cho mọi DN đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn.

Để tạo đà cho DN phát triển, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong năm 2021 cần kích cầu đầu tư trong khối DN sản xuất cho XK để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là EVFTA. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm XK có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.

Theo đó, cần "tăng cường XK nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản XK”, bà Hương nhấn mạnh.

Dự báo năm 2021, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2021, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp nhanh chóng giải quyết các nút thắt đang cản trở DN, cũng như tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do.

Cụ thể, về nguồn nhân lực, DN mong muốn có chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết nhất. Theo đó, phải có các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể cho từng ngành nghề, chú trọng công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi đầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động trong 5-10 năm tới.

Về cơ sở hạ tầng, DN mong Chính phủ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông bảo đảm kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm đến các cửa khẩu quốc tế; phát triển hệ thống logistics. Ở trong nước, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn DN đáp ứng yêu cầu XK, như kiểm tra chất lượng hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Về cải cách hành chính, cộng đồng DN đang kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với trọng tâm là cắt giảm chi phí cho DN. Các bộ, ngành có thể rà soát và tối ưu hóa quy trình, thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Triển khai việc xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với DN thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.

Lưu Hiệp
.
.
.