Góp ý dự thảo Nghị định về Khai thác và kinh doanh khoáng sản

Thứ Bảy, 17/09/2016, 09:03
Dự thảo Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản vừa được công bố của Bộ Công Thương đang vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng doanh nghiệp do những quy định được cho là mập mờ và “vơ quyền” của cơ quan soạn thảo, khi Nghị định điều chỉnh những vấn đề vượt quá cả luật.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Nghị định có tham vọng điều chỉnh các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh đối với các loại khoáng sản, tức là rộng hơn phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (chỉ điều chỉnh việc khai thác khoáng sản), và cũng rộng hơn nội dung mà Luật Đầu tư giao trong Phụ lục IV – điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh khoáng sản.

Quản lý khai thác khoáng sản chưa hiệu quả dẫn đến “chảy máu” tài nguyên diễn ra trong nhiều năm.

VCCI cho rằng: Với vai trò đại diện chủ sở hữu đối với khoáng sản, Nhà nước chỉ duy trì quyền quản lý đối với khoáng sản vẫn thuộc sở hữu của mình (tức là khi khoáng sản vẫn còn dưới lòng đất), còn nếu Nhà nước đã chuyển quyền sở hữu tài sản này cho chủ thể khác thì vai trò này chấm dứt. Thời điểm chuyển sở hữu là thời điểm khoáng sản được khai thác một cách hợp pháp lên khỏi mặt đất. Lúc đó, doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản là khoáng sản đó.

Đối với vai trò thứ hai, quản lý một hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhà nước chỉ can thiệp "trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Do đó, để đủ cơ sở ban hành các quy định về quản lý khoáng sản như Dự thảo thì cần làm rõ các vấn đề thực tiễn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, đạo đức, sức khỏe...

Đối với chế biến khoáng sản, hiện nay pháp luật đã có quy định yêu cầu các dự án phải được thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư theo luật, việc xây dựng cũng đã có quy định, vấn đề môi trường đã có pháp luật về bảo vệ môi trường, về công nghệ chế biến đã có pháp luật về chuyển giao công nghệ điều chỉnh…

Do đó, VCCI cho rằng việc bổ sung thêm các quy định về quản lý dự án chế biến khoáng sản như trong dự thảo chỉ là sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung quản lý chứ không giải quyết được vấn đề trên thực tế. Nếu cơ quan soạn thảo cho rằng, các biện pháp trên được thực thi không tốt thì cần đưa chính sách củng cố việc thực thi chứ không nên ban hành các quy định chồng chéo nhau. Tương tự, các vấn đề về vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh khoáng sản đều đã có các quy định pháp luật khác điều chỉnh.

Theo VCCI, “chỉ có duy nhất nội dung mà hiện pháp luật vẫn chưa đầy đủ trong việc quản lý khoáng sản, đó là truy xuất nguồn gốc khoáng sản, hay hồ sơ khoáng sản”. Hiện nay, có tình trạng khoáng sản được khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất mà không được kiểm soát đầy đủ.

Đây là vấn đề chưa có công cụ quản lý một cách phù hợp, mới chỉ được thể hiện rất sơ sài trong Dự thảo và tiếp tục giao Bộ Công Thương quy định chi tiết. Quy định này tương tự như quy định về hồ sơ gỗ hay chứng nhận nguồn gốc thủy sản được áp dụng đối với một số loại tài nguyên thiên nhiên khác...

Rất nhiều quy định trong dự thảo được cộng đồng doanh nghiệp cho rằng còn định tính, mù mờ, rất dễ tạo kẽ hở cho việc “vận dụng” gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Cụ thể, quy định "dự án khai thác khoáng sản phải đảm bảo cung cầu thị trường và đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở có sản phẩm chế biến sâu" được cho là can thiệp thái quá vào quyền tự quyết của doanh nghiệp và không phù hợp với các quy luật của thị trường.

Thứ nhất, cung cầu thị trường được quyết định dựa trên cơ sở "thuận mua vừa bán" với mức giá cả hợp lý, cơ quan nhà nước không nên can thiệp. Thứ hai, việc ưu đãi các hoạt động chế biến sâu là cần thiết, song điều này nên được thực hiện bằng các chính sách ưu đãi, chứ không nên bắt buộc các dự án khai thác khoáng sản phải đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu. Thứ ba, các quy định "đảm bảo cung cầu" hay "đáp ứng nguyên liệu" là định tính và khó xác định.

Hay có thể kể đến quy định "Dự án phải có lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường"; Quy định người lao động phải "có sức khỏe đảm bảo"; "có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp”; "có trang bị bảo hộ lao động phù hợp”... nhưng không rõ thế nào là phù hợp; "định kỳ được phổ biến, kiểm tra, sát hạch kiến thức về an toàn lao động và pháp luật có liên quan theo quy định" mà không rõ được quy định ở đâu và định kỳ là bao lâu một lần... cũng khiến văn bản rất khó áp dụng khi đi vào thực tiễn, có thể tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Nam Phương
.
.
.