Gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ

Thứ Bảy, 13/05/2017, 09:23
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giúp cho việc lắp ráp các khâu cuối cùng của sản phẩm được hoàn thành thông qua cung cấp các bộ phận chi tiết, linh kiện sản phẩm hàng hoá trung gian khác. Việc phát triển loại hình này giúp giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Tuy nhiên, CNHT của Việt Nam từ lúc khởi đầu cho đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi khó khăn; nhiều doanh nghiệp (DN) CNHT trong nước đang “chào thua” DN “ngoại”.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện mới chỉ có trên 1.300 DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT - chiếm khoảng 0,3% tổng số DN cả nước. Phần nhiều trong số này là các DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp, khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và chi phí hợp lý theo yêu cầu của các đơn đặt hàng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp vào GDP chỉ khoảng 14%, trong khi đó, con số này ở Thái Lan là khoảng 26%, Trung Quốc là 36%.

Việc phát triển CNHT giúp giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam.

Cùng với Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được Chính phủ quy hoạch xây dựng phát triển thành trung tâm CNHT của cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành CNHT của địa phương này vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, có rất ít các DN sản xuất công nghiệp tham gia ngành CNHT để sản xuất sản phẩm cung cấp cho các DN lớn. Các sản phẩm CNHT của các DN làm ra mới chỉ đáp ứng nhu cầu thay thế hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu bán cho một số đại lý nước ngoài. 70% các DN đầu tư trong tỉnh do ít vốn nên chỉ đầu tư công nghệ ở mức độ trung bình, do đó, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chưa hoàn thiện cũng là một trong những hạn chế rất lớn để thu hút các dự án CNHT.

Nhằm tập hợp, kết nối và nâng cao năng lực các DN CNHT, vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội CNHT Việt Nam đã chính thức được thành lập. Ngoài nhiệm vụ kết nối thì Hiệp hội CNHT Việt Nam cũng sẽ đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp liên quan; tìm kiếm và kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu cho các doanh nghiệp. 

Việc thành lập Hiệp hội CNHT Việt Nam là một trong các kết quả quan trọng của Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng đến thị trường châu Âu” trong khuôn khổ dự án “EU-MUTRAP” do Liên minh châu Âu tài trợ được Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương thực hiện từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2017.

Các sản phẩm thuộc CNHT.

Về phía DN sản xuất sản phẩm CNHT, hầu hết là DN nhỏ, vốn ít, do không chắc chắn về đầu ra nên không dám đầu tư công nghệ hiện đại, điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó các DN lại thiếu sự hợp tác, liên kết với nhau để tận dụng thế mạnh riêng của mỗi DN và tiết kiệm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, DN còn khó tiếp cận các nguồn vốn vay, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu kỹ năng quản trị, thiếu nguồn nhân công có tay nghề, thiếu thông tin, khung khổ pháp lý còn có những bất cập…

Để thúc đẩy phát triển CNHT, tập trung kết nối DN Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, DN CNHT cần nghiên cứu kỹ thị trường và chuỗi cung ứng ngành nghề. Đồng thời chủ động liên kết, hợp tác liên doanh với các DN trong và ngoài nước, nhất là các DN FDI để nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng. Kinh nghiệm từ Thái Lan, Hàn Quốc đều cho thấy, các DN CNHT, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô chỉ thực sự phát triển và có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng khi liên doanh, liên kết được với DN nước ngoài.

Để khuyến khích ngành CNHT phát triển, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển CNHT (gần đây nhất là Nghị định 111/2015 và một số thông tư đi cùng), đang mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư vào CNHT. Theo đó, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được tài trợ từ Chương trình phát triển CNHT, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo. 

Bên cạnh đó, được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển CNHT đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT. Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển CNHT.

Hoàng Phạm
.
.
.