Giám sát chặt dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi
- Nhật Bản kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với 100% lô tôm nhập từ Việt Nam
- Thả 14.500 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
- Hợp tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), kể từ ngày 19/11, các cơ sở nuôi thuỷ sản, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thuỷ sản nuôi (sau đây gọi tắt là cơ sở), các cơ quan kiểm tra, cơ quan giám sát và cơ sở kiểm nghiệm tham gia Chương trình giám sát dư lượng phải áp dụng Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 6/10 của Bộ NN&PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.
Thông tư quy định: Đối với thủy sản có dư lượng các chất đào thải chậm thì cơ quan giám sát cho phép thu hoạch làm thực phẩm khi đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường tiêu thụ hoặc chuyển mục đích sử dụng. Trường hợp cơ sở nuôi đã thu hoạch trước khi có cảnh báo, cơ quan giám sát tiến hành truy xuất và thu hồi lô sản phẩm thủy sản nuôi vi phạm, lấy mẫu kiểm nghiệm để thẩm tra và chỉ cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ nếu kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cơ sở nuôi thủy sản chỉ sử dụng các loại thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y thủy sản, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản có tên trong danh mục được phép lưu hành và ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất.