Ngành Dệt may Việt Nam gặp khó

Thứ Bảy, 17/06/2017, 07:16
Những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã có sự cố gắng và đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành thì sự phát triển đó vẫn thiếu nền tảng vững chắc, khi phần lớn vẫn sản xuất gia công và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.


Việt Nam hiện có gần 6.000 doanh nghiệp dệt may và hơn 2,5 triệu người lao động trong lĩnh vực này. 10 năm qua, tốc độ phát triển của ngành này tăng 17%/năm. Tuy nhiên, năm 2016 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong 10 năm qua, dự tính doanh thu chỉ đạt 29 tỷ USD.

Dù đứng trong top 5 nước xuất khẩu về dệt may trên thế giới nhưng Việt Nam hiện phải nhập khẩu khá lớn trong khâu nguyên phụ liệu may mặc. Trong đó phụ thuộc lớn nhất vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc

Trong bối cảnh những thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Malaysia đang được hưởng nhiều lợi thế về đầu tư, chi phí sản xuất và ưu đãi thuế suất thì ngành dệt may Việt Nam rất khó để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 đạt 28 tỷ USD.

Và con số trên chứng minh 1 điều rằng, ngành dệt may Việt Nam cũng khó mà giữ được tốc độ tăng trưởng trên 10%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt trên 5 tỷ 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đặc biệt, 2 tháng đầu năm, tỷ lệ thặng dư trong xuất khẩu của ngành đạt tới 50%, điều này cho thấy chiến lược đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã có hiệu quả.

Ngành Dệt may Việt Nam gặp khó. (Ảnh minh họa)

Ông Vũ Đức Giang, chuyên gia trong lĩnh vực dệt nay Việt Nam cho rằng, sở dĩ dệt may tính cạnh tranh kém hơn so với các nước bạn là vì thiếu tính liên kết giữa các DN trong ngành với nhau.

Thế nên, thời gian tới, để đảm bảo xuất khẩu bền vững, ngành cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may, nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải. Đồng thời, không nên bỏ qua thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.

Phân tích về nguyên nhân DN Việt chưa đáp ứng được yêu cầu trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dệt may cho biết, hiện các DN trong nước theo lĩnh vực dệt may đa phần là các DN vừa và nhỏ, thiếu về vốn, thiếu đầu tư, tiềm lực kinh tế yếu, mà lại thiếu sự liên kết thế nên tính cạnh tranh không cao.

Để nắm lấy cơ hội, ngoài đầu tư công nghệ, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng tỉ lệ nội địa, hạn chế nhập khẩu, đào tạo bài bản cho các nhà thiết kế... Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, chỉ riêng mặt hàng vải, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, do chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính của dệt may.

Bàn về sức cạnh tranh của DN Việt Nam so với các nước trong khu vực trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang thua ngay từ điểm xuất phát. Đơn cử, tại thị trường truyền thống là Mỹ, chiếm khoảng 33% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta, hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế suất là 10% - 12%.

Trong khi, hàng từ các nước Campuchia, Bangladesh và Malaysia xuất khẩu vào thị trường này lại được hưởng mức thuế suất 0%. Tiếp theo là tập trung nâng cao năng suất lao động. Hiện tại, năng suất kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam tương đương các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico nhưng kém Trung Quốc.

Vì vậy cần đặc biệt chú trọng cải thiện năng suất lao động kỹ thuật dệt may, cần nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là chất lượng nhân lực thiết kế, kỹ thuật, sản xuất nguyên liệu, xử lý đơn hàng tổng hợp và tổ chức sản xuất. Mục tiêu đến năm 2020, cần có khoảng 15 trung tâm sản xuất nguyên liệu, trung tâm thiết kế, qua đó tạo việc làm cho 50 triệu lao động trong ngành dệt may và kim ngạch xuất khẩu đạt mức 50 tỉ USD, gấp đôi hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu dệt may đạt tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngoài những yếu tố khách quan tác động như: nền kinh tế của một số nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh, thì một trong những khó khăn của ngành dệt may đó chính là tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, lượng đơn hàng của một số doanh nghiệp hiện mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu xuất khẩu dệt may Việt Nam đề ra trong năm nay đạt từ 28 đến 29 tỷ USD, tăng 5% so với năm ngoái, như vậy trung bình 3 tháng cuối năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam phải đạt ít nhất 2,5 tỷ USD. Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may khuyến cáo, các DN phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho DN; tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Hiệp hội sẽ là nơi tổng hợp để phản ánh đến những cơ quan có liên quan để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung kiến nghị Nhà nước giải quyết hàng loạt những vấn đề về cơ chế chính sách, kiểm tra liên ngành, tạo thuận lợi thương mại cho DN.

Hoàng Phạm
.
.
.