Giá vàng thế giới tăng, lập đỉnh trong 15 tháng

Thứ Tư, 04/05/2016, 09:17
Trong khi Việt Nam đang “ngủ quên” trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, thì giá vàng thế giới đã tăng dựng đứng, tiến sát mốc 1.300 USD/oz. Liệu giá vàng sẽ về đâu trong thời gian tới?


Ngày 29-4, tức ngay trước kỳ nghỉ lễ 4 ngày của Việt Nam, giá vàng thế giới đã có cuộc bứt phá ngoạn mục, tăng thêm gần 30 USD/oz, lập đỉnh cao nhất trong vòng 15 tháng. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng lên mốc 1.294 USD/oz và tiếp tục được duy trì khi bước vào tuần giao dịch mới.

Chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, trước thềm nghỉ lễ, giá vàng SJC tăng lên mốc 34 triệu đồng/lượng, nhưng vàng trong nước chưa phát huy được sức bật của mình. Trong khi giá vàng thế giới tăng khoảng 30USD/oz, thì giá vàng trong nước chỉ tăng chưa đầy 400.000 đồng/lượng. Vì không theo kịp “sức chạy” của thị trường thế giới, theo đó giá “nội” có thời điểm thấp hơn giá “ngoại” tới 700 nghìn đồng/lượng và duy trì khoảng cách này do thị trường vàng trong nước vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ, nên chỉ có một số doanh nghiệp đưa ra biểu giá vàng mới, nhưng cũng không có mấy thay đổi so với phiên cuối tuần.

Vàng SJC đang thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 700 nghìn đồng mỗi lượng.

Giá vàng SJC tăng không tương ứng với giá quốc tế phần nào phản ánh sự ảm đạm của thị trường. Dường như các nhà đầu tư vẫn chưa đủ tự tin để tham gia vào thị trường trong thời điểm này. Theo các chuyên gia, giá vàng luôn có những “kịch bản” bất ngờ bởi vậy nhà đầu tư nên thận trọng tính toán kỹ lưỡng để có kết quả tối ưu nhất.

Trên thị trường quốc tế, vàng nhảy vọt sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy sẽ tạm ngừng gói kích thích tiền tệ. Ngay sau đó, tỷ giá đồng yên so với USD lên cao và cũng đạt đỉnh 18 tháng. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, đây là tuần mà đồng yên tăng giá mạnh nhất. Cùng với đó, giá vàng vẫn đang khiến nhà đầu tư phấn khích khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa vội nâng lãi suất. 

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất, do lãi suất cao sẽ nâng chi phí cơ hội của sở hữu mặt hàng phi lãi suất như vàng, đồng thời thúc đẩy đồng USD. “Fed trì hoãn tăng lãi suất càng lâu thì vàng càng được hưởng lợi nhiều hơn. Thị trường vàng sẽ tập trung vào triển vọng tăng lãi suất của Fed tại cuộc họp tiếp theo trong tháng 6, nhưng khả năng Fed sẽ thắt chặt chính sách vào cuối năm nay, hạn chế đà tăng của vàng”, HSBC cho biết trong một ghi chú.

Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng vàng sẽ duy trì xu thế tăng nhẹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên ngưỡng 1.300 USD/oz là ngưỡng cản mạnh và chỉ khi vượt qua ngưỡng này, xu hướng tăng ngắn hạn của vàng mới được xác lập bền vững. Còn nếu không rất có thể vàng sẽ điều chỉnh tích lũy. 

Một nhà dự báo nổi tiếng là Barnabas Gan, nhà kinh tế hàng hóa của Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) cho biết, ông vẫn duy trì quan điểm tiêu cực đối với thị trường vàng, dự đoán kim loại quý này sẽ chốt năm thấp hơn mức hiện tại ít nhất 100 USD mỗi oz. 

“Trong quý II năm nay, kim loại quý vẫn sẽ hấp dẫn, vì có một vài sự kiện quan trọng trong tháng sáu, bao gồm cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi khối Euro của Anh, cuộc họp của OPEC, và tình hình không chắc chắn ngày càng tăng đối với việc Hy Lạp nhận đợt phát hành thứ hai của gói tiền cứu trợ thứ ba” ông Barnabas Gan giải thích. 

Song, ông Gan cho biết một yếu tố khác sẽ gây áp lực lên giá vàng vào cuối năm nay chính là nhu cầu mờ nhạt từ hai quốc gia có lượng tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhóm PV
.
.
.