Nông dân được lợi ít nhất khi giá lúa tăng cao

Chủ Nhật, 20/10/2013, 10:05
Nếu thiên tai, mất mùa, rớt giá, người nông dân đương nhiên là đối tượng chịu thiệt thòi mất mát đầu tiên. Nhưng ngay cả khi có điều kiện thuận lợi, giá lúa gạo tăng cao, thì họ cũng không phải là người được hưởng lợi nhuận xứng đáng. Trong báo cáo mới đây nhất công bố ngày ngày 17/10 “Ai được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng cao” của tổ chức Oxfam và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), nguyên nhân chính được nhắc đến chính là sự khống chế thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Nông dân chưa biết cách “đấu tranh” đòi quyền lợi

Theo báo cáo trên, một ví dụ điển hình của việc giá lúa gạo tăng cao nhưng người nông dân không được hưởng lợi nhiều là năm 2008: khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn vào đầu năm 2008 lên mức trên 900 USD/tấn vào tháng 5 năm 2008 thì giá gạo nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn. Rõ ràng là nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.

Hàng loạt bất cập các khâu của chuỗi cung ứng lúa gạo ở nước ta đã được chỉ rõ: Người trồng lúa thiếu năng lực thị trường, thương lái ép giá nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu làm việc theo kiểu “cán bộ ca-táp”…

GS.TS Võ Tòng Xuân cho hay, thực tế cho thấy người nông dân vất vả để làm ra được hạt gạo, nhưng họ lại không được hưởng lợi bao nhiêu trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Và một trong những nguyên nhân là do chính người nông dân đang tự làm cho họ bất lợi trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi bởi năng lực và hiểu biết còn hạn chế, khả năng tiếp cận thông tin thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao.

Lao động vất vả nhưng người nông dân thường phải chịu thiệt thòi.

“Cái bất hạnh nhất của người nông dân là doanh nghiệp xuất khẩu không bao giờ tiếp xúc với mình mà chỉ "chơi" với thương lái. Người nông dân tính trồng gì vào mùa tới thì họ chỉ tính, chỉ quan tâm đến thương lái muốn mua giống gì? Do đó 100 người nông dân thì có 10 đến 20 giống lúa. Khi nông dân thu hoạch, thương lái mua rất nhiều giống, trộn lại, bán qua cho doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) mà DNXK không quan tâm gì đến người nông dân, họ chỉ ngồi máy lạnh chỉ đạo thu mua từ xa, bán ra kiếm lời”, GS Võ Tòng Xuân phân tích.

Ông Xuân nhận định, theo chuỗi này, người hưởng lợi nhiều nhất lại là những công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, nhà sản xuất phân bón rồi tới doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái, còn nông dân được hưởng lợi ít nhất.

Theo ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách IPSARD, lợi nhuận đến tận tay người nông dân chỉ dưới 30% do quy mô hộ nông dân thường nhỏ, manh mún. Việc xác định và công bố giá lúa định hướng nhằm đảm bảo mang lại lợi nhuận ít nhất 30% cho nông dân trồng lúa không thực sự phát huy tác dụng vì giá thu mua do doanh nghiệp chi trả, trong khi thực tế các doanh nghiệp hiếm khi mua thóc trực tiếp từ nông dân mà thông qua thương lái. Do đó, nông dân không được hưởng lợi từ chính sách này.

Nên giao cho Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm xuất khẩu nông sản

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thương lái cũng cần gắn lại với nhau để hoạt động chuyên nghiệp hơn bởi thị trường vẫn cần họ khi nông dân và hợp tác xã chưa trưởng thành. Nên giao cho Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản thay vì giao cho Bộ Công thương lo khâu xuất khẩu vì bộ này sẽ không ưu tiên cho nông nghiệp bởi họ đang tập trung vào các ngành công nghiệp như điện lực có thể mang lại doanh thu rất cao.

“Hiệp hội Lương thực về danh nghĩa gắn với thị trường nhưng lợi ích kinh tế của họ rất lớn, họ nắm trọn chính sách trong tay nên khi đề xuất đến chính sách họ gắn với lợi ích của họ và cộng đồng doanh nghiệp mà không hướng nhiều tới nông dân”, bà Lan khẳng định. Theo bà Lan, xuất khẩu gạo của nước ta dường như chỉ chú trọng vào số lượng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu lại thấp hơn so với Thái Lan rất nhiều.

Lao động vất vả nhưng người nông dân thường phải chịu thiệt thòi.

Theo báo cáo của Oxfam, hiện nay xuất khẩu gạo vẫn tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, chủ yếu là của Nhà nước hay doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi từ các doanh nghiệp Nhà nước tạo nên thế độc quyền. Riêng hai tổng công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chiếm tới gần 50% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù từ đầu năm 2001, Việt Nam cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia xuất khẩu nhưng hiện nay tỉ trọng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế.

Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam lại hoạt động với vai trò chính trị thay vì bảo vệ lợi ích sát sườn của người nông dân, bởi lãnh đạo của hội không phải là người trồng lúa. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đáng lẽ nên đóng vai trò điều phối thị trường cho các doanh nghiệp thì lại có quá nhiều lợi thế trong việc đề xuất chính sách.

Họ không quan tâm đến nông dân khi đề xuất chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu. Người nông dân chưa có tiếng nói trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến chính họ.

Bà Lan cho rằng, để giải quyết các vấn đề tồn tại trên và xây dựng một chuỗi cung ứng lúa gạo chuyên nghiệp, cần tổ chức lại người trồng lúa theo mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất, cánh đồng mẫu lớn để sản xuất tập trung, theo quy trình, chuyên nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, cần tìm ra các doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh nhưng phải có cái tâm với nông dân và nông nghiệp để giúp cho ngành nông nghiệp phát triển vì lợi ích của người trồng lúa

Thiên Thanh
.
.
.