Du lịch Việt chưa thực sự nắm bắt thành quả của cách mạng 4.0?
Ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam qua cầu nối của… Internet. |
Tận dụng thành quả từ cách mạng 4.0, du lịch Việt đã bước đầu nhập cuộc và có những bước chuyển biến nhanh chóng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Làm gì để vượt qua các thách thức này đang là bài toán khó đối với người hoạt động du lịch trực tiếp lẫn nhà quản lý, nghiên cứu về du lịch Việt.
Trao đổi về thời cơ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trước cách mạng 4.0, Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoàng, giảng viên bộ môn Việt Nam học – Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động tích cực, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong toàn bộ ngành dịch vụ du lịch, bao gồm cả nghề lễ tân, hướng dẫn viên, kinh doanh đại lý lữ hành, nhân viên phục vụ nhà hàng….
Đội ngũ lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất bởi vị trí việc làm của họ có nguy cơ bị thay thế bởi robot và các thiết bị công nghệ thông minh khác. Với mục tiêu xây dựng những điểm đến du lịch thông minh, hỗ trợ tối đa du khách trong việc tiếp cận thông tin, nhiều điểm du lịch đã áp dụng hệ thống thuyết minh tự động thông qua những chiếc audio guide được lập trình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Những ưu điểm của audio guide đang tạo nên trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảo tàng Mỹ thuật, Hoàng thành Thăng Long, dinh Thống Nhất… và nhiều điểm đến du lịch khác ở Việt Nam. Cơ hội việc làm của đội ngũ thuyết minh viên cũng vì thế bị ảnh hưởng.
Đối với lĩnh vực kinh doanh đại lý du lịch thì việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong quá trình đặt các dịch vụ du lịch như vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch… đang trở nên phổ biến. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã từng chỉ ra rằng, tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tham khảo thông tin điểm đến trên Internet đạt 71%, trong số đó có 64% đặt chỗ và mua các dịch vụ trực tuyến.
Báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội cũng cho thấy, có hơn 75% khách quốc tế, 90% khách nội địa đến Hà Nội là đi tự túc. Hầu hết họ đều tra cứu thông tin qua các ứng dụng công nghệ, website…
Đối với hoạt động quản lý dịch vụ du lịch, nhiều địa phương trong cả nước đã nhanh chóng xây dựng cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, hiện đại, cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho du khách, vừa công khai chất lượng và thông tin về dịch vụ mà các cơ sở dịch vụ và điểm đến du lịch cung cấp, tạo nên tính khách quan, đa chiều trong hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong du lịch. Tuy nhiên, cách mạng 4.0 cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam.
Cụ thể, hạ tầng công nghệ thông tin của các địa phương, doanh nghiệp du lịch yếu kém, không đồng đều, nhận thức không được chính xác, đầy đủ, trong khi du lịch thông minh phát triển cần có sự tham gia của tất cả các bên tham gia, tức là cần có một hệ sinh thái du lịch thông minh với khả năng lĩnh hội và làm chủ khoa học công nghệ. Bất cứ mắt xích nào nằm ngoài hệ sinh thái ấy sẽ trở nên tụt hậu và làm cho hệ thống trở nên trì trệ.
Phát triển du lịch thông minh trong cách mạng 4.0 còn yêu cầu nguồn nhân lực trình độ cao nhưng lực lượng này trong ngành du lịch đang còn rất thiếu và yếu. Mặt khác, việc truy cập Internet qua các thiết bị thông minh còn để lại những “dấu vết” thông tin cá nhân sẽ đẩy người dùng vào những rủi ro mất an ninh, an toàn thông tin.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Thanh, giảng viên trường Đại học Quảng Bình thì cho rằng, cách mạng 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhanh và mạnh cho du lịch Việt. Sự phát triển internet kết nối vạn vật làm xóa nhòa không gian và thời gian, góp phần giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị và chi phí nhân công cho các doanh nghiệp, giảm giá thành các dịch vụ du lịch.
Việc số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách. Ứng dụng công nghệ hiện đại cũng làm giảm đáng kể nguồn nhân lực lao động, rút ngắn thời gian làm việc, giảm mạnh các chi phí dẫn tới giảm giá thành các dịch vụ du lịch.
Nhờ mua và bán hàng qua mạng nên các doanh nghiệp du lịch có thể liên kết, cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn và lợi nhuận, bán hàng cho số lượng khách đông, chi phí và thời gian ít nên họ có thể ổn định giá, giảm giá, thậm chí giảm giá cực sốc các dịch vụ du lịch…
Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Thanh cũng cho rằng, cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho du lịch Việt bởi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa cao. Cụ thể, thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử cho thấy các đại lý du lịch trực tuyến thương hiệu toàn cầu, như: Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần.
Trong khi đó, hiện chỉ có hơn 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến và các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước, số lượng giao dịch còn thấp. Các khách sạn nhỏ vẫn sử dụng phương thức quản lý thủ công trong hoạt động giới thiệu và bán sản phẩm.
Các công ty lữ hành, nếu có địa chỉ website cũng chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm với hình thức và nội dung sơ sài, cộng thêm việc triển khai thanh toán trực tuyến chưa phổ biến nên tỷ lệ giao dịch thành công vẫn ở mức rất thấp. Sự hạn chế về vốn, tài chính và công nghệ khiến nhiều doanh nghiệp du lịch khó tận dụng thành quả cách mạng 4.0 nhằm phát triển doanh nghiệp…
Để không bị tụt hậu, ngành du lịch phải đề ra những chiến lược tầm trung và dài hạn, làm chủ ứng dụng kỹ thuật số, lấy công nghệ làm đòn bẩy để phát triển nhanh, bền vững; cần biết cách khai thác những lợi thế từ việc ứng dụng công nghệ số.
Để khắc phục các khó khăn của du lịch Việt trong cách mạng 4.0, Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, giảng viên bộ môn Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh.