Dự kiến tăng thuế môi trường đối với xăng dầu: DN vận tải “đứng ngồi không yên”

Thứ Ba, 17/01/2017, 08:47
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến đóng góp.  Trước dự thảo này, nhiều doanh nghiệp vận tải đều “đứng ngồi không yên”…

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được nâng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng lên mức 6.000 đồng; các loại dầu diesel, ma dút, nhờn kịch khung là 4.000 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, E10 cũng được đề xuất kịch trần lần lượt là 7.200 đồng/lít và 6.800 đồng/lít. Trước dự thảo này, nhiều doanh nghiệp vận tải đều “đứng ngồi không yên”…

Vận tải đường bộ lo tăng cước

Chiều 16-1, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc thực hiện thu phí môi trường là đúng, và phù hợp với xu thế của giới, bởi hiện nay môi trường của ta quá ô nhiễm rồi. Thế nhưng, áp dụng thu phí tăng vào thời điểm nào, mức tăng bao nhiêu thì cần tính toán kỹ. 

Vị này cũng thẳng thắn: “Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng, cần ổn định kinh tế vĩ mô, nếu tăng trong thời điểm này tôi e là không phù hợp. Vì xăng dầu không chỉ ảnh hưởng đến vận tải mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nữa. Còn nếu tăng phí xăng dầu, thì đương nhiên giá cước vận tải khó giữ như bây giờ, vì bản thân người làm vận tải đang phải chịu rất nhiều loại thuế, phí. 

Nếu phí môi trường xăng dầu tăng, sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp vận tải và người dân.

Hiện xăng dầu chiếm 35- 40% trong tỷ lệ giá cước, nếu tăng như quy định Bộ Tài chính đưa ra, thì chi phí xăng dầu sẽ tăng thêm khoảng 10%, thậm chí 20%, theo đó giá thành vận tải sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này sẽ tác động trực tiếp cả vào người dân, chứ không riêng gì doanh nghiệp. Theo tôi, trước năm năm 2017, 2018 thì chưa nên tăng, nếu có tăng phí môi trường thì sau năm 2020 sẽ phù hợp hơn”.

Tương tự, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) phân tích, giá xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá thành. Ở thời điểm này, doanh nghiệp vận tải đã gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, thuế phí, phí BOT tăng, phí cầu đường, áp lực cạnh tranh... 

Hơn một năm qua, doanh nghiệp cũng không điều chỉnh tăng giá cả dịch vụ vận tải vì muốn bình ổn thị trường. Do đó, theo ông Hải, nếu thuế bảo vệ môi trường xăng tăng lên đến 8.000 đồng/lít sẽ là "tận thu". 

Ông Hải tính toán, với mức tăng này, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 30%, sẽ lỗ nặng. Cùng đó, giá cả hàng hóa sẽ leo thang, và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thiệt. 

Đồng quan điểm, đại diện của Taxi Mai Linh cũng thẳng thắn: Doanh nghiệp có khoảng 15.000 xe, giờ mỗi lít xăng, dầu tăng thêm 1.000 đồng thôi, doanh nghiệp cũng đủ mệt, huống hồ giờ tăng tới 8.000 đồng. Như vậy chuyện giá cước tăng theo sẽ là khó tránh.

Hàng không lo hết giá rẻ

Không chỉ có các doanh nghiệp vận tải đường bộ, mà ngành Hàng không cũng tỏ ra lo lắng. Đại diện một hãng hàng không cũng tiết lộ: Bình quân máy bay A320 trong một giờ bay hết khoảng 2,3-2,5 tấn nhiêu liệu (1 tấn tương đương khoảng 810 lít). 

Nếu một ngày bay khoảng 100-120 chuyến, với phí môi trường tăng thêm 6.000 đồng/lít thì  bình quân mỗi ngày hãng sẽ phải chi thêm khoảng 1,5 tỷ cho loại phí này. Và tính chung cho năm 2017, hãng sẽ phải chi thêm khoản tiền hơn 500 tỷ cho thuế phí môi trường. Với chi phí này, thì e rằng, người dân sẽ ngày càng ít cơ hội bay vé giá rẻ.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mức tăng 8.000 đồng thuế môi trường cho mỗi lít xăng như đề xuất trong dự thảo là cao. Điều này làm tăng chi phí vận tải, hàng hoá hành khác và chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. 

Hiện nay, Thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 3.000 đồng, nếu có tăng thì cũng nên thêm 1.000-2.000 đồng cho mỗi lít. Vị chuyên gia này cũng đề nghị Chính phủ xem xét thận trọng việc nâng mức thuế môi trường lên 8.000 đồng. Chúng ta cam kết hội nhập, thuế giảm xuống, Bộ Tài chính cần nghĩ ra cách khác để tăng các nguồn thu.

Đặng Nhật
.
.
.