Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Các chỉ tiêu về môi trường đều nằm trong phạm vi cho phép

Thứ Hai, 17/12/2018, 14:00
Trước kiến nghị liên quan đến đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) do địa phương này lo ngại tác động tiêu cực đến môi trường, đại diện Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) khẳng định, việc kiểm soát môi trường đối với Dự án đã được Bộ TN&MT quan tâm qua việc thành lập Tổ giám sát môi trường định kỳ kiểm tra, giám sát với tần suất tối thiểu 02 lần/năm.


Các chỉ tiêu về môi trường đều nằm trong phạm vi cho phép

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc TIC cho biết, các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường của dự án đã được các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của Pháp luật về Bảo vệ Môi trường. Việc kiểm soát môi trường đối với Dự án được Bộ TN&MT quan tâm từ đầu thông qua việc thành lập Tổ giám sát môi trường thuộc của Bộ TN&MT có sự tham gia của Sở TN&MT Hà Tĩnh để giám sát định kỳ đối với dự án.

Trong thời gian qua (từ năm 2010 đến nay), Tổ giám sát môi trường đã định kỳ kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của Dự án với tần suất tối thiểu 02 lần/năm. Kết quả kiểm tra, giám sát được đánh giá thực hiện cơ bản đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, không vi phạm theo quy định.

Các chỉ tiêu quan trắc tại mỏ sắt Thạch Khê đều nằm trong phạm vi cho phép theo tiêu chuẩn quy định.

Ngoài ra, theo kết quả quan trắc môi trường (tháng, Quý) của Dự án do Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật Môi trường  Hà Tĩnh (thuộc Sở TNMT Hà Tĩnh) thực hiện liên tục từ 2009 đến nay cho thấy các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong phạm vi cho phép theo tiêu chuẩn quy định.  

Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo phục hồi môi trường của Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê điều chỉnh đã nêu rõ các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến môi trường, đồng thời đưa các giải pháp xử lý tránh tác động  xấu đến môi trường từ giai đoạn thực hiện dự án đến kết thúc cả đời dự án.

Chẳng hạn như đối với vấn đề tháo khô, thoát nước mỏ, thiết kế đã tính toán lưu lượng nước chảy vào mỏ. Từ đó, đưa ra giải pháp thoát nước phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt với việc áp dụng đáy mỏ hai cấp nên các giải pháp tháo khô, thoát nước mỏ theo thiết kế hoàn toàn khả thi. Đối với đổ thải lấn biển, bãi thải lấn biển được sử dụng cho mục đích chứa chất thải rắn thông thường (cát, đá), không có độc tố gây hại.

Đối với đổ thải lấn biển, ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết, bãi thải lấn biển được sử dụng cho mục đích chứa chất thải rắn thông thường (cát, đá), không có độc tố gây hại; công tác đổ thải chỉ được tiến hành khi hoàn thành công tác xây dựng đê chắn theo từng block nên không xảy ra hiện tượng trôi dòng vật liệu làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Mặt khác, bãi thải có diện tích 923 ha, dung tích chứa 171 triệu m3, sẽ khắc phục được nhược điểm khi đổ thải cao trên đất liền (giảm được chiều cao; giảm lượng bụi phát thải; tạo thêm được quỹ đất trong tương lai…).

Ngoài ra, việc đổ thải sẽ được thực hiện thành từng tầng theo chu vi bãi thải, sau khi kết thúc mỗi tầng tiến hành xây dựng hệ thống dốc nước, rãnh để thu gom nước mặt, đồng thời trồng cây phủ xanh tầng thải để khắc phục hiện tượng cát bay, cát chảy.

Nhiều hệ luỵ khi dừng dự án

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, nếu dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ phá vỡ Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 và Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012.

Đồng thời, không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội; các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao với giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu.

“Hiện tại ngoài mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) thì mỏ sắt Thạch Khê là mỏ có trữ lượng sắt lớn nhất Việt Nam hiện nay. Do đó, nếu dừng dự án này thì nguồn cung cấp quặng sắt cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ thiếu trầm trọng. Từ 2 năm nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hoà Phát đều phải nhập khẩu quặng sắt về để phục vụ sản xuất do nguồn cung trong nước không đủ”, ông Hưng dẫn chứng.

Trong khi đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thời gian qua cho thấy, mỏ sắt Thạch Khê có điều kiện khai thác thuận lợi, với hệ số bóc đất thấp. Mỏ có trữ lượng lớn khoảng 540 triệu tấn, hàm lượng 59,8% sắt, đủ điều kiện cho luyện kim. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất phôi thép trong nước, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài.

“Quặng sắt mỏ Thạch Khê đã được đưa vào luyện thử nghiệm trên dây chuyền hiện có của một số cơ sở sản xuất phôi thép trong nước như: Công ty cổ phần thép Hòa Phát và Công ty gang thép Thái Nguyên. Kết quả cho thấy, chất lượng quặng hoàn toàn phù hợp với công nghệ; phôi thép sản xuất đạt yêu cầu chất lượng”, ông Hưng thông tin.

Ngoài ra, trong trường hợp dự án dừng lại, sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương (trên 1.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I, trên 2.800 tỷ đồng/năm trong giai đoạn II); Nhà nước còn phải bổ sung nguồn để xử lý những tồn tại về tài chính, an sinh xã hội, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư xây dựng dở dang...

Liên quan đến việc dự án tạm dừng triển khai từ năm 2011 đến nay do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc TIC cho biết, Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam (TKV) đã góp vào dự án hơn 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long góp hơn 400 tỷ đồng cùng 3 nhà đầu tư khác.

“Chúng tôi đều đã “chôn” vốn ở dự án này cả chục năm rồi. Tuy nhiên, TKV hoàn toàn có đủ năng lực để hoàn thành dự án. Kể cả trong trường hợp xấu nhất khi các cổ đông còn lại rút vốn thì TKV sẽ đứng ra đảm nhận phần vốn này”, đại diện TKV khẳng định.

Còn về kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh về thông tin trước khi chưa thực hiện dự án, bãi biển Thạch Hải là khu nghỉ dưỡng, tắm biển lý tưởng có tiềm năng phát triển tốt, tuy nhiên do ảnh hưởng của dự án khiến lượng du khách xuống cấp nghiêm trọng, lao động thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân…

Ông Nguyễn Quốc Hưng khẳng định: “Bãi biển Thạch Hải là bãi biển không phù hợp để du khách tắm biển. Chưa kể đến việc, do đây là mỏ sắt nên vô hình chung toàn bộ khu vực này trở thành một “trạm thu lôi tự nhiên”, mỗi khi trời giông gió sét sẽ đánh trực tiếp, người dân quanh khu này đã chứng kiến nhiều trâu, bò chết do sét đánh rất nhiều”.

Hiện tại, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đã có kiến nghị đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê. TKV cũng đã có công văn đề nghị Chính phủ cho sớm đưa dự án trở lại hoạt động.

Tuấn Minh
.
.
.