Doanh nghiệp cần thực hiện quy định về lao động trong các FTA

Chủ Nhật, 20/01/2019, 03:17
Trong giai đoạn 2016 – 2020, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, theo lộ trình cam kết sẽ từng bước cắt giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần tận dụng các cơ hội trên để phát triển sản xuất kinh doanh.


Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, DN cần  chú ý đến các cam kết trong các FTA thế hệ mới như: Môi trường, lao động, phát triển bền vững và quản trị tốt... để tránh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt là cam kết về lao động.

Nội dung cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Nếu một nước nào duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn các nước thực hiện tiêu chuẩn lao động cao. Điều này vô hình trung dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng dựa trên quyền lao động rẻ.

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, kể cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) đều bắt buộc bên tham gia Hiệp định thực hiện quyền tự do liên kết và thương lượng; xóa bỏ lao động cưỡng chế, bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động. Những DN sử dụng nhiều lao động như DN ngành dệt may, da giày... cần phải chú ý vấn đề này để tránh những rủi ro.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Thu Trang, việc DN sử dụng lao động trẻ em có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện cam kết, nhưng khó khăn ở chỗ, thông tin DN sử dụng lao động trẻ em lan truyền trên thị trường thì người tiêu dùng (NTD) sẽ tẩy chay sản phẩm.

DN xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, ngành thủy sản cũng đã từng bị nhiều thị phi liên quan đến vấn đề lao động trẻ em, môi trường, điều kiện sản xuất không đạt chuẩn...

Đó là những tồn tại mà các DN cần khắc phục, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính là thành viên trong các FTA thế hệ mới.

Cũng trong khuôn khổ của cam kết lao động, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, một số FTA thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA cam kết lao động mà DN Việt cần chú ý để tránh vi phạm.

Cụ thể, trong quy định bình đẳng, không được phân biệt đối xử trong lao động đối với giới, quấy rối tình dục; thai sản, trách nhiệm gia đình; tuổi tác. DN Việt mà hỗ trợ phụ nữ nuôi con nhỏ bằng thời gian hay có chế độ cụ thể như hiện nay lại vi phạm quy định bình đẳng giới trong lao động. Bởi vì theo quan niệm của các nước, nam hay nữ đều phải có trách nhiệm với gia đình.

Sau hơn 10 năm là thành viên của WTO, đến nay Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám nhiều Hiệp định FTA song phương và đa phương. Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu.

Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, EU... Trong thời gian tới, khi các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu, hàng hóa nước ngoài sẽ ồ ạt nhập vào thị trường Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, việc cắt giảm thuế cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống. Cơ hội lớn các FTA thế hệ mới mang lại sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo lộ trình của các FTA, DN Việt Nam buộc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam kết về lao động. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản.

T.Hà- T.Giang
.
.
.