Doanh nghiệp cần tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ Hai, 12/11/2018, 07:11
Chiều 8-11, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TP Hồ Chí Minh 2018 với chủ đề “Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN)”.


Nói về những triển vọng do các FTA mang lại, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương khẳng định: “Các FTA đã mang lại cơ hội, nhưng việc có tận dụng được cơ hội hay không là do DN”.

Theo ông Khanh, hiện Việt Nam có 17 FTA, trong đó có 10 FTA đã ký và đã có hiệu lực, 2 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết đàm phán và 3 FTA đang đàm phán. Các FTA đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Cụ thể, thuận lợi đầu tiên mà các FTA mang lại là mở rộng thị trường, cắt giảm thuế quan.

Ví dụ như ngành dệt may xuất khẩu. Nếu như Việt Nam không phải là thành biên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì hàng dệt may xuất khẩu có mức thuế bằng 150% so với thành viên của WTO. Nhưng khi Việt Nam đã là thành viên của WTO thì thuế giảm, chỉ còn trung bình 25%. Còn nếu chúng ta gia nhập các FTA lớn, thì thuế của hàng dệt may xuất khẩu chỉ còn trung bình 0-5%.

Thực phẩm của Việt Nam được giới thiệu tại hội chợ quốc tế

Ngoài ra, khi Việt Nam tham gia các FTA thì xuất khẩu cũng đã tăng mạnh. Như năm 1995 khi gia nhập ASEAN xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,4 tỷ USD, đến năm 2000 xuất khẩu tăng lên 14,4 tỷ USD, đến năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO thì xuất khẩu 48,5 tỷ USD và đến năm 2018 ký CPTPP thì xuất khẩu của Việt Nam tăng đến 213,8 tỷ USD (tăng trưởng xuất khẩu 4 lần so trước 2007).

Trước năm 2007, Việt Nam chỉ có 2 FTA, nhưng đến 2018 đã tăng lên mười mấy FTA. Kết qua đó cho thấy, nhờ FTA mà con số xuất khẩu của Việt Nam lớn như vậy. Ngoài ra, hiệu quả do FTA mang lại còn giúp ta hoàn thiện cơ sở hạ tầng; giúp bình đẳng nguồn lực giữa DN nhà nước và DN tư nhân; xóa bỏ những rào cản và các starup cũng được Chính phủ rất quan tâm...

Đặc biệt, các FTA đã giúp cải cách đáng kể các thủ tục hành chính. Theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI có làm ý kiến thăm dò DN về cải cách thủ tục hành chính. Kết quả cho thấy, 75% DN được khảo sát cho rằng hài lòng về việc nộp thuế, 68% DN thừa nhận thủ tục hải quan tốt hơn, 85% DN cho biết thủ tục xin giấy phép cũng giảm đáng kể... Kết quả này đạt được đó là do sức ép các cam kết trong FTA. Chính phủ cũng đã có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà cho DN.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Việc cải cách các thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi thương mại cho DN.

Theo đó, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan; Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch...

Cũng để giúp các DN hiểu, nhận biết và tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bà Hoàng Hồng Điệp, chuyên gia tư vấn Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã giới thiệu cho DN về “cổng thông tin thương mại Việt Nam”, đồng thời hướng dẫn các DN truy cập và tìm kiếm các thông tin về xuất nhập khẩu, hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả các cơ hội mà các FTA mang lại.

T. Hà
.
.
.