Diện mạo đất “chín rồng” sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

Thứ Hai, 14/10/2019, 09:21
Sau 10 năm tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thay đổi tích cực. Các tỉnh, thành đã huy động được nhiều nguồn lực, dồn sức đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội ở nông thôn như các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch nông thôn, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa.

Không chỉ thu nhập bình quân đầu người tăng cao so với trước, các vấn đề sinh kế, việc làm, y tế, giáo dục, đời sống văn hóa được chăm sóc tốt hơn.

Để xây dựng NTM hiệu quả, bền vững, các tỉnh, thành vùng đất “chín rồng” luôn quán triệt tinh thần, đảm bảo tính thực chất, tránh hình thức, lãng phí, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân... Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015).

Đất “chín rồng” khoác áo mới

Được xem là trung tâm của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ với vai trò là “đầu tàu” luôn thúc đẩy tích cực sự phát triển KT-XH của toàn vùng. Đến tháng 8-2019, toàn thành phố có 35/36 xã được công nhận xã NTM, chiếm tỷ lệ 91,66%, 2/4 huyện được công nhận huyện NTM (Phong Điền và Vĩnh Thạnh).

Công an TP Cần Thơ giúp dân làm đường giao thông nông thôn, hoàn thành các tiêu chí NTM.

Đặc biệt trong xây dựng cơ bản, các địa phương không để xảy ra tình trạng nợ đọng. 36/36 xã đạt tiêu chí số 19.2 (tiêu chí về an ninh trật tự). Thành phố có 259.467/270.980 hộ gia đình văn hóa; 629/630 ấp, khu vực được công nhận và tái công nhận danh hiệu “Ấp, khu vực văn hóa”; 82/85 xã, phường, thị trấn được công nhận và tái công nhận danh hiệu “Xã, phường, thị trấn văn hóa”…

Các công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân thường xuyên được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo 100% các trường học và trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch sử dụng. Theo kế hoạch, đến năm 2020, 36/36 xã và 4/4 huyện của TP Cần Thơ sẽ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia NTM và được công nhận đạt chuẩn NTM.

Qua gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Bạc Liêu đã từng bước xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Thực hiện tái cơ cấu trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Nhờ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nên sản lượng lúa, tôm và các loại thủy sản đều tăng.

Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã liên kết sản xuất, bao tiêu khoảng 500.000 tấn lúa và liên kết sản xuất, bao tiêu nhiều diện tích tôm nuôi... Ngày càng có nhiều nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, chương trình “1 phải, 5 giảm”, IPM; nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; các mô hình sản xuất nuôi trồng đa cây, đa con kết hợp.

Là tỉnh tái lập sau cùng của ĐBSCL nhưng Hậu Giang lại là địa phương có xã được công nhận NTM đầu tiên của cả nước. Và đến nay, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, hàng năm, số tiêu chí bình quân/xã đều tăng, số xã đạt chuẩn NTM đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện Hậu Giang có 29/53 xã đạt chuẩn NTM, đạt 54,72%. Hiện tỉnh đã trình hồ sơ của huyện Châu Thành A và TP Vị Thanh cho Trung ương, dự kiến trong năm 2019 được công nhận.

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh Cà Mau đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với gần 10 năm trước, trong đó khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người/năm (tăng 2,2 lần so với năm 2010). “Diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu có từ 1 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn NTM; có 3 huyện đạt từ 6 tiêu chí trở lên; có từ  41 xã trở lên đạt chuẩn NTM; 5 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 27 ấp khó khăn đạt chuẩn NTM; đạt bình quân từ 16,5 tiêu chí/xã trở lên, thu nhập tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2015”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau cho biết.

Khởi đầu nhưng không kết thúc

Tính đến tháng 9-2019, toàn tỉnh An Giang có 54 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 45,38%), 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM mới (TP Châu Đốc, TP Long Xuyên) và 1 đơn vị huyện NTM là huyện Thoại Sơn.

Từ kết quả này, UBND tỉnh An Giang đã phát động phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu nâng thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 65 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, từ xuất phát điểm rất thấp (năm 2010 có trên 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM), sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn, nhất là các xã khó khăn, xã dân tộc, xã biên giới nay đã thay đổi rất nhiều. “Tỉnh An Giang quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Việc kế thừa và phát huy các giá trị của Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2011 - 2020 và tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp thịnh vượng, bền vững” – ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Để thực hiện đúng mục tiêu, ý nghĩa mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đặt ra, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xác định tầm quan trọng của việc đánh giá đúng tiềm năng, sức mạnh của người dân, lắng nghe những hiến kế của dân. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong dân, Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp… phải khéo léo, hợp lý, bàn bạc cụ thể, đảm bảo công khai minh bạch, không quá sức dân. Ngoài ra, phát triển NTM phải gắn với khai thác thế mạnh của từng địa phương (như du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình mỗi xã một sản phẩm…).

Là tỉnh còn khó khăn nhưng Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương tiêu biểu của vùng và cả nước về xây dựng NTM.

Hiện nay trên 50% số xã đã đạt chuẩn NTM và có 1 đơn vị cấp huyện NTM, trung bình toàn tỉnh đã đạt trên 16 tiêu chí/xã. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, cách xây dựng NTM của Đồng Tháp là để người dân làm chủ như đúng tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương về “tam nông” – nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

“Tinh thần người dân là chủ thể là như thế nào? Chúng tôi suy nghĩ không phải là dân góp bao nhiêu tiền và đất mà là người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình hội quán. Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm là như vậy”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Vẫn theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, mô hình “hội quán” ở Đồng Tháp hiện nay trước hết có tác dụng giúp nông dân liên kết mua chung, bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Hiện Đồng Tháp có 80 hội quán với 4.300 thành viên và 17 HTX kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này. Các hội quán được kết nối hạ tầng viễn thông, giúp lãnh đạo tỉnh, các sở ngành ở trụ sở cũng có thể kết nối được với 80 hội quán.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL thực hiện xây dựng NTM 2010- 2019 diễn ra tại Bạc Liêu tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia yêu cầu các cấp ngành, địa phương thực hiện thực chất xây dựng NTM trên tinh thần: “Tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt và vai trò của người nông dân là chủ thể” của Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương khóa X.
Trần Lĩnh
.
.
.