Đề xuất xây dựng “Luật về BOT”
- Đi 50km phải qua 3 trạm BOT, Bộ GTVT quy trách nhiệm cho địa phương
- Tất cả người dân đều bị thiệt nếu kinh tế bị ảnh hưởng do vài trạm BOT
- Bộ Công an và Bộ GTVT chỉ đạo các biện pháp xử lí hành vi gây rối tại các trạm BOT1
Mục tiêu xây dựng luật là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia; nâng cấp các quy định tại Nghị định hiện hành nhằm nâng cao cơ sở pháp lý của các quy định, xử lý các nội dung chồng chéo giữa các luật và bổ sung các quy định còn thiếu.
Tạo dựng môi trường đầu tư theo hình thức PPP với khung pháp lý cao nhất, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách. Nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP, gắn với trách nhiệm của các bên có liên quan bao gồm Bộ, ngành và địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nhà đầu tư; doanh nghiệp dự án; ngân hàng, tổ chức tín dụng và cơ quan hậu kiểm.
Theo đó, một số quan điểm định hướng xây dựng như sau: Quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP. Luật phải bổ sung tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư; nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án. Cơ quan chức năng phải rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Đặc biệt sớm ban hành định mức, đơn giá và việc công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế. Quy định mới bổ sung chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư chậm quyết toán, chậm thực hiện trách nhiệm công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu giá sử dụng dịch vụ.
Nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình khi vận hành và bàn giao cho Nhà nước. Quy định cơ chế tham vấn trước khi quyết định đầu tư và việc người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện quy trình đầu tư, khai thác các dự án giao thông đầu tư theo hợp đồng BOT.
Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, thực tế đang tồn tại nhiều bất cập trong triển khai các dự án BOT, BT giao thông và tại một số địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT”.
Căn cứ báo cáo kết quả của đoàn giám sát này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
“Tại Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP; Định hướng nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật, tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.
Hiện nay, hoạt động đầu tư PPP được quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP (về đầu tư theo hình thức đối tác công tư), Nghị định 30/2015/NĐ-CP (hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu) về lựa chọn nhà đầu tư và một số thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan.
Khi mới ban hành, 2 nghị định này được kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài) vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, khi thực hiện thực tế, số lượng dự án thực hiện theo quy định theo các nghị định này không nhiều, chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Những dự án trong giai đoạn xây dựng hoặc vận hành chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP).