Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và một số Thông tư văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tại thời điểm ban hành, 2 Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài) vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đến thời điểm này, số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 30 không nhiều, hầu hết vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; những dự án trong giai đoạn xây dựng hoặc vận hành chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ (Nghị định 108/2009/NĐ-CP).
Đối với dự án BOT giao thông, xuất hiện các bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa phù hợp, cần quy định rõ để thực hiện thống nhất.Ảnh minh họạ Internet |
Theo ban xây dựng Dự thảo, thực tiễn triển khai các dự án PPP còn nhiều bất cập. Trước khi Nghị định 15 và Nghị định 30 được ban hành, dự án BOT, BTO, BT được thực hiện theo quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP.
Tính đến thời điểm hiện nay, các dự án đang trong quá trình thực hiện hợp đồng hầu hết triển khai theo quy định tại Nghị định 108/CP và các thông tin hướng dẫn nêu trên.
Qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT và đặc biệt là Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án BOT giao thông, một số bất cập của các dự án BOT, BT thực hiện theo Nghị định 108/CP như: Hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai. Việc giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng thường không đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn vốn để thực hiện việc chuẩn bị và tham gia đầu tư theo các dự án PPP được xem là nút thắt chính trong quá trình triển khai đầu tư theo mô hình này.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty CP đầu tư Đèo Cả, nội dung dự thảo luật cần yêu cầu cơ quan chức năng hành xử theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) là một bên của hợp đồng PPP nhưng bị cơ quan chức năng ứng xử như cấp dưới.
“Cơ quan chức năng chỉ đạo DN làm theo ý của họ. Chúng tôi mong muốn trong dự thảo luật quy định rõ những việc DN được làm, việc cơ quan chức năng được làm và những việc nào cả 2 bên cùng đàm phán trong hợp đồng PPP”, đại diện Công ty CP đầu tư Đèo Cả kiến nghị.
Ông Phan Thanh Dương, Phó tổng giám đốc Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 cũng cho biết, quá trình xây dựng dự án gặp rất nhiều vướng mắc. Sau 9 năm, dự án của công ty vẫn chưa triển khai thực hiện.
“Khi thực hiện dự án, cơ quan chức năng xem chúng tôi như người đi cầu cạnh, còn cơ quan chức năng như “ông trời”. Tôi mong trong dự thảo luật mới, các chính sách sẽ rạch ròi, cụ thể hơn để DN thuận tiện thực hiện”, ông Dương nói.
Theo đại diện ban soạn thảo dự thảo luật, đối với dự án BOT giao thông, xuất hiện các bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo khoảng cách 70km; thời gian thu phí chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng về việc lựa chọn những dự án “nâng cấp, cải tạo” hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước dẫn đến việc người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo…
Khi được hỏi về thực trạng của dự án PPP hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, VCCI tạo diễn đàn để DN trao đổi kiến nghị những vướng mắc đang tồn tại và kiến nghị cơ quan xây dựng dự thảo luật.