Đa cấp “biến tướng” sau khi bị quản lý chặt hơn

Thứ Hai, 19/09/2016, 15:15
Chiều nay (19-9), Bộ Công Thương đã tổ chức sơ kết 6 tháng tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Đáng chú ý, sau hàng loạt vụ đổ vỡ xảy ra, số người tham gia đa cấp đã giảm đến hơn 1 nửa, nhưng vẫn là con số rất lớn – khoảng 500.000 người.


Số người tham gia bán hàng đa cấp giảm hơn 1 nửa

Theo báo cáo tại cuộc họp này, tính đến đầu tháng 9, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp (BHĐC) đang hoạt động là 50 doanh nghiệp, giảm 17 doanh nghiệp so với năm 2015. Trong số giảm đó, có 9 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận, 6 doanh nghiệp có Giấy chứng nhận bị chấm dứt hiệu lực và 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Theo báo cáo của 48 doanh nghiệp, doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (55% thị phần). 

Đáng chú ý hơn cả là sự “giảm nhiệt” của phong trào đa cấp, khi số người tham gia mạng lưới của 48 doanh nghiệp này 6 tháng đầu năm nay còn khoảng 500.000 người, giảm 57% so với 1.162.000 người của cùng kỳ năm 2015. Theo báo cáo, các doanh nghiệp đã nộp trên 452 tỷ tiền thuế trong 6 tháng đầu năm, trong đó đáng kể nhất là thuế giá trị gia tăng với hơn 182 tỷ đồng. 

Số thuế thu nhập cá nhân của người lao động và thuế nộp hộ người tham gia BHĐC cũng khoảng 97 tỷ đồng. Tổng hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác đã chi trả cho người tham gia là trên 711 tỷ đồng. 

Theo thống kê, các loại hàng hóa được mang ra kinh doanh đa cấp bao gồm chủ yếu là thực phẩm chức năng (51,27%, doanh thu hơn 1,87 nghìn tỷ đồng); tiếp đó đến mỹ phẩm (doanh thu gần 1,6 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ 31,65%). Các sản phẩm đồ gia dụng, quần áo, thiết bị... chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ.

Cơ quan chức năng vẫn than khó trong quản lý bán hàng đa cấp do xuất hiện nhiều biến tướng

Sau khi Bộ Công Thương ra chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp, đã có 48 Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, 38 Sở đã xử phạt 26 doanh nghiệp với số tiền 4,477 tỷ đồng. 

Các vi phạm bị phát hiện chủ yếu là trong các thủ tục hành chính, như: Không thông báo với Sở Công Thương nơi doanh nghiệp hoạt động sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận  đăng ký BHĐC; Không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi thực hiện khuyến mại; Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động BHĐC với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật cho người có dự định tham gia mạng lưới BHĐC của doanh nghiệp... 

Các vi phạm này không phải nguồn cơn của những trận vỡ lở mạng lưới hàng chục nghìn người với những thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. 

Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp GCN, 11 Sở Công Thương đã kiểm tra và xử phạt 17 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Riêng Cục Quản lý cạnh tranh, tính đến giữa tháng 8 đã tiến hành điều tra và xử phạt 36 vụ với 34 doanh nghiệp, tổng số tiền phạt là hơn 6,6 tỷ đồng. Cục này cũng đã tiếp nhận 123 khiếu nại của người tham gia BHĐC, trong đó có 38 khiếu nại đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý, trong đó có cả cơ quan cảnh sát điều tra và Tổng cục Thuế. Lực lượng Quản lý thị trường cũng đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan, với tổng số tiền phạt là hơn 4,9 tỷ đồng.

Hình thức khác đi, nhưng vẫn là “bánh vẽ”

Tại Hội nghị này, nhiều địa phương cũng đã nêu những khó khăn trong quản lý hoạt động BHĐC. Phản ánh từ nhiều Sở Công Thương cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp mặc dù đã thực hiện khá đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động, nhưng việc quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh tra và kiểm tra. Trong nhiều trường hợp, Sở Công Thương không thể liên hệ được cũng như không thể xác định được địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương. 

Mặt khác, đặc điểm cơ bản của bán hàng đa cấp là người tham gia/nhà phân phối đến tận địa chỉ của khách hàng để tư vấn, giải thích về công dụng của sản phẩm cũng như về các lợi ích về kinh tế trong chương trình trả thưởng của doanh nghiệp, tức là điểm tư vấn rất riêng tư, nên rất khó kiểm soát về nội dung, và càng khó thu thập được chứng cứ để xử phạt người tham gia trong trường hợp người đó nói sai, nói quá về công dụng của sản phẩm hay lợi ích của việc tham gia BHĐC để dụ dỗ khách hàng. 

Thêm vào đó, khi bị quản chặt hơn, BHĐC của một số cá nhân/tổ chức đã biến tướng để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn... Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Kiểu kinh doanh này là kinh doanh trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm. 

Bộ Công Thương cho rằng, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội "kinh doanh trái phép", nên hiện nay không có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn. Xuất phát từ đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị cần sớm có chế tài để xử lý các hoạt động này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp tại các doanh nghiệp và qua công tác xử lý khiếu nại, Cục QLCT nhận thấy nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp cho phép người tham gia mua nhiều mã hàng nhưng không giao hàng cho người tham gia mà yêu cầu người tham gia ký biên bản gửi lại hàng cho doanh nghiệp. Đây là một kiểu "lách luật" rất nguy hiểm, cần được quan tâm xử lý khi sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP. 


V. Hân
.
.
.