Công tác bảo vệ người tiêu dùng vẫn cầm chừng

Thứ Bảy, 09/01/2016, 09:01
Theo tổng kết 5 năm hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công thương, trung bình mỗi năm chỉ có 1.000 – 1.500 khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết. So với tình hình thị trường phức tạp với hàng hoá đủ loại chất lượng như Việt Nam, con số trên là quá thấp.


Tuy nhiên, hiện hoạt động bảo vệ người tiêu dùng vẫn đang được triển khai hết sức cầm chừng vì khó khăn về nguồn lực cũng như nhận thức về công tác này.

Một trong những điểm sáng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong 5 năm qua là phát hiện và thu hồi sản phẩm có khuyết tật. Tính đến nay đã có khoảng 65 trường hợp thu hồi sản phẩm theo yêu cầu của Bộ Công thương liên quan đến các lĩnh vực như ôtô, xe máy, mỹ phẩm, thiết bị văn phòng, đồ dùng gia đình, thực phẩm, đồ chơi trẻ em…

Năm 2012, có 9 vụ thu hồi đã được tiến hành, và con số của 2015 là 19 vụ. Trong số đó, có nhiều vụ việc thu hồi các sản phẩm khuyết tật có quy mô ảnh hưởng tới nhiều người tiêu dùng. Có thể kể đến vụ việc bộ điều khiển thông minh cảnh báo chống trộm của ổ khoá xe SH tự động tắt trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với thời gian nhà sản xuất công bố, ảnh hưởng đến việc sử dụng và sự an toàn tài sản của người tiêu dùng. Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Công ty Honda Việt Nam tiến hành chiến dịch triệu hồi trên 12.000 xe để khắc phục lỗi trên.

Một vụ việc đáng chú ý khác là việc đầu năm 2014, người tiêu dùng phát hiện một số sản phẩm của Công ty Toyota Việt Nam bị lỗi liên quan đến dây cáp xoắn của túi khí phía người lái. Lỗi này có thể làm mạch điện bị hở, dẫn tới mất kết nối giữa bộ điều khiển với túi khí, dẫn đến không bung túi khí, làm tăng nguy cơ chấn thương đối với người lái. Thực hiện yêu cầu và giám sát của Bộ Công thương, Công ty Toyota Việt Nam đã triệu hồi và sửa chữa đối với hơn 43.000 xe Innova, Fortuner và Hilux.

Ngoài ra, có thể kể đến vụ mỹ phẩm làm trắng da của thương hiệu Kanebo (Nhật Bản) chứa một số chất có hại cho da, đã bị Bộ Công thương yêu cầu thu hồi và tiêu huỷ gần 6.000 sản phẩm; vụ việc thu hồi và thay thế hàng chục nghìn viên pin máy tính Lenovo do hiện tượng nóng lên bất thường vào năm 2014; vụ việc triệu hồi hơn 80.000 xe Nozza của Yamaha để sửa chữa giá đỡ ống xăng.

Hiện đa số người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi vẫn chưa biết “kêu” ai.

Hiện trên cả nước đã có 50 hội bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương và 1 hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Các hội đã giải quyết được tổng số khoảng 4.000 vụ với tỷ lệ thành công 80-82%. Một số hội như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang, tỷ lệ giải quyết thành công lên tới 90%. Trong các năm 2011 – 2012, các địa phương chưa tập trung nhiều vào việc tiếp nhận giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, nên số vụ việc chỉ dừng lại ở khoảng 100 vụ mỗi năm. Đến giai đoạn 2013 – 2014, số lượng vụ việc tăng lên khoảng 300 vụ mỗi năm.

Đặc biệt, năm 2015 ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc khi số lượng vụ việc được tiếp nhận và giải quyết tại các Sở Công thương và UBND cấp huyện đã tăng lên trên 500 vụ. Con số tuy có tăng, nhưng vẫn chưa phản ánh được thực tế. Công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những hoạt động manh nha. Bộ Công thương cho rằng hệ thống cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hiện nay thiếu sự đồng bộ, khiến việc phối hợp và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Tại Bộ Công thương, đơn vị được giao trách nhiệm chủ yếu trong việc thực thi các quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng là Cục Quản lý cạnh tranh, nhưng cái tên của Cục chưa phản ánh được chức năng bảo vệ người tiêu dùng, khiến đơn vị này gặp khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn liên quan. Mặt khác, nhiều địa phương cũng chưa quan tâm đầy đủ đến công tác này, giao nhiệm vụ không đồng nhất, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong tiếp cận, tìm kiếm sự hỗ trợ; khiến cấp trên khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo.

Nam Phương
.
.
.