Doanh nghiệp vận tải ‘bắt tay’ móc túi người tiêu dùng

Thứ Ba, 08/09/2015, 19:11
Chiều ngày 8/9, tại TP.HCM, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng”.


Tọa đàm tập trung phân tích nguyên nhân của tình trạng “neo” giá cước vận tải, đề xuất các biện pháp giúp giảm giá cước, mục đích hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các công cụ chính sách, đảm bảo sự lành mạnh của thị trường.
  
Ông Nguyễn Tiến Thỏa phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas, chi phí xăng dầu chiếm tới 25 - 35% cước vận tải. Chính vì vậy, khi giá xăng dầu biến động thì giá cước vận tải biến động theo là điều hiển nhiên. Nhưng có điều nghịch lý là khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì thì giá cước vận tải lại không giảm hoặc giảm rất chậm. Đây là hiện tượng không bình thường.

Đặc biệt trong năm nay, kể từ khi lập đỉnh cao nhất 20.711 đồng/lít vào ngày 19 – 6, sau 5 lần giá  xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá cước vận tải vẫn “án binh bất động”.

Rõ ràng, tình trạng doanh nghiệp taxi dửng dưng với việc giảm giá cước theo giá xăng dầu đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch  kiêm Tổng Thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể  so với các nước trong khu vực.

Giá cước taxi trung bình ở  Bangkok là 3.800 đ/km (6bath), ở Manila là 5.700đ/km (11.93 peso), ở Jakarta là 6.300đ/km (4.000 Pupiah)... ông Thỏa khẳng định: “Giá cước vận tải ở Việt Nam hoàn toàn có thể giảm.

Nếu giá cước vận tải không giảm theo giá xăng dầu là không đúng cơ chế thị trường, không đúng luật giá”. Theo ông Thỏa, nguyên nhân chủ yếu của “điệp khúc” xăng dầu giảm giá nhưng cước vận tải không giảm là do thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Tức là, có những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường thực hiện vai trò lãnh đạo giá. Các doanh nghiệp này không giảm giá, các doanh nghiệp nhỏ cũng không dám giảm.

Xăng dầu giảm giá nhưng doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước .

Theo ý kiến của các chuyên gia, bên cạnh các biện pháp hành chính đang thực hiện như kê khai giá cước vận tải, Nhà nước cần có cách tiếp cận mang tính thị trường.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy Ban an toàn giao thông quốc gia khẳng định “ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả  của ngành vận tải là một xu hướng tất yếu và đang được Nhà nước hết sức khuyến khích phát triển. Vì vậy, gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính Phủ đề nghị cho phép triển khai đề án thí điểm Grab Car. Tôi tin rằng, những phần mềm ứng dụng  này sẽ giúp tăng hiệu quả trong điều hành và quản lý vận tải , giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, qua đó giảm được chi phí vận hành và cước phí cho người tiêu dùng”.

Thúy Hà
.
.
.