Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2020

Thứ Hai, 12/07/2021, 16:44
Ngày 12/7, Trường Đại học (ĐH) Thương mại đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2020 với chủ đề chuyên sâu về “Đầu tư và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID – 19” với sự tham dự của đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách…


Phó Giáo sư Hà Văn Sự, Trưởng khoa Kinh tế - Luật (Trường ĐH Thương mại), thư ký khoa học của Báo cáo thường niên cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2020 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn; dịch bệnh COVID-19 lan nhanh, làm tê liệt chuỗi cung ứng và suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Báo cáo cho rằng, đại dịch có thể là chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam; một số lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư nước ngoài; hậu COVID-19 là thời điểm vàng để doanh nghiệp (DN) trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI. 

Các nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận về kết quả nghiên cứu trong Báo cáo thường niên

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, đại dịch COVID-19 làm sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài và số lượng dự án đầu tư mới giảm, một số lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm về dòng vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực tới cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo địa bàn.

Theo Giáo sư Đinh Văn Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Thương mại, chủ biên Báo cáo thường niên, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, về phía cung, cần tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, cải cách thị trường lao động, đất đai, tài chính, tái định hình chuỗi cung ứng, đảm bảo chính sách an sinh và ổn định xã hội; về phía cầu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất nhập khẩu. Báo cáo đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4,0%.

Tiếp tục hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy thương mại nội địa phát triển

Để đạt được kết quả đó, Giáo sư Đinh Văn Sơn cho rằng, Việt Nam phải kiểm soát và có hệ thống giải pháp căn cơ giảm thiểu các thiệt hại do đại dịch COVID-19; đồng thời phải có giải pháp “ứng phó” trong điều kiện dịch bệnh như: Thực thi chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt; áp dụng phù hợp các công cụ thuế và đầu tư công; đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; phát triển nền kinh tế số và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Đối với thương mại trong nước, phải triển khai áp dụng bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, đặc biệt đối với hệ thống phân phối; tiếp tục hỗ trợ DN thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển thương mại điện tử trong nước để thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa; bám sát tình hình kinh tế - chính trị thế giới, đặc biệt là các cuộc chiến tranh thương mại, cuộc chiến tiền tệ để xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu thị trường trong nước

Tại lễ công bố, các nhà khoa học đã đánh giá cao những kết quả nghiên cứu trong báo cáo, đồng thời kiến nghị báo cáo nên bổ sung thêm mảng đầu tư gián tiếp nước ngoài, những thành tựu của công cuộc chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, đồng thời thêm khuyến nghị “để kinh tế tăng trưởng, phải có cực tăng trưởng, bởi kinh tế không thể dàn hàng ngang mà tiến”.


Thu Phương
.
.
.