Cơ hội cho xuất khẩu lao động trình độ cao
- Truy tìm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc
- “Nữ quái” cho nhiều người sập bẫy chiêu lừa "chạy án", "chạy" xuất khẩu lao động
- Hỗ trợ vay vốn cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung đi xuất khẩu lao động
Con số này hoàn toàn khả thi khi vừa bước vào năm 2017, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có những kế hoạch tuyển dụng dài hơi để nâng cao cả chất lượng và số lượng lao động đưa đi trong năm nay.
Chỉ chuyên đưa lao động sang một trong những thị trường trọng điểm hiện nay là Nhật Bản, Công ty CP phát triển dịch vụ CEO đã đưa được gần 1.000 lao động sang làm việc ở thị trường này trong năm 2016.
Nhiều cơ hội dành cho các lao động xuất khẩu có trình độ trong năm 2017. Ảnh minh họa CTV |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng tuyển dụng Nhật Bản của CEO thì Nhật Bản là một thị trường tiềm năng lớn bởi nhu cầu lao động luôn ở mức cao. Lương cơ bản của lao động làm việc tại Nhật Bản thông thường từ 25-30 triệu đồng/tháng, trừ sinh hoạt có thể tích lũy được khoảng 20 triệu đồng (chưa tính làm thêm).
Đối với diện kỹ sư, kỹ thuật viên mức thu nhập có thể đạt tới 45 triệu đồng/tháng. “Chính vì những lý do đó mà Nhật Bản luôn là thị trường hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Vấn đề khó đối với lao động sang Nhật Bản hiện nay là tiếng Nhật”, ông Nam cho biết.
Nói về mục tiêu đưa 105 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài năm nay, theo ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thì chỉ tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông Hương cho biết, kế hoạch của Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn ưu tiên vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
“Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước trong năm 2016 như: thỏa thuận về triển khai chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Úc; Hiệp định hợp tác lao động Việt - Lào; thỏa thuận phái cử và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Thái Lan; thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS… Triển khai thực hiện hàng loạt thỏa thuận, hiệp định này sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều lao động Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài làm việc thời gian tới”, ông Phạm Viết Hương nói.
Nhiều triển vọng về xuất khẩu lao động năm 2017. |
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ này đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị liên quan gấp rút xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Dự thảo cũng đưa ra một số ngành nghề dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu lao động sang một số thị trường trong thời gian tới.
Cụ thể, xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản và CHLB Đức; công nghệ thông tin, điện tử- viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang Nhật Bản; cơ khí sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông; đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH thì thời gian qua Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động phổ thông, có trình độ tay nghề thấp. Vài năm gần đây, bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7.
Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế. Đánh giá về đề án đưa lao động trình độ cao ra nước ngoài làm việc, ông Nguyễn Xuân An, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, nhìn nhận đây là cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam bởi hiện có rất nhiều nước chưa có chính sách tiếp nhận lao động phổ thông, mà chỉ ưu tiên tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn.
“Giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đào tạo nguồn nhân lực là những mục tiêu lớn của xuất khẩu lao động. Nếu đề án sớm triển khai, chúng ta sẽ đưa được nhiều lao động có chuyên môn đi. Lực lượng lao động hùng hậu này sẽ học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt chuyên môn nhanh chóng hơn, hình ảnh và uy tín của lao động Việt Nam cũng sẽ được nâng lên”, ông An cho biết.