Buôn lậu qua đường hàng không: Phát hiện nhiều vụ là "người trong nhà"

Thứ Ba, 15/12/2015, 08:34
Quy định pháp luật của các nước về quản lý xuất nhập khẩu, quy định hải quan có nhiều khác biệt, nên công tác phối hợp với nhà chức trách tại các sân bay nước ngoài và công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm còn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng an ninh hàng không Nội Bài vừa phát hiện một nhân viên kiểm dịch thuộc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội mang 3 chiếc điện thoại (2 chiếc Iphone 6 và 1 Iphone 5). Nhận thấy việc một người mang 3 chiếc Iphone là bất thường, lực lượng an ninh hàng không đã tiến hành kiểm tra và được biết 3 chiếc điện thoại trên là của nhân viên này cầm hộ một hành khách đi trên chuyến bay VN385, chặng bay từ sân bay Haneda (hay còn gọi là sân bay quốc tế Tokyo) đến Hà Nội nhằm mục đích trốn thuế.
Còn những kẽ hở cần bịt kín trong phòng ngừa buôn lậu qua đường hàng không. Ảnh minh họa: Mai Hà.

Cách đó không lâu, cơ quan này cũng phát hiện một tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines phục vụ chuyến bay VN277 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh vận chuyển theo hành lý xách tay 35 chiếc điện thoại di động không có hoá đơn, chứng từ kèm theo. Trên thực tế, đây là 2 trong số rất nhiều vụ buôn lậu được lực lượng chức năng tại các cảng hàng không kịp thời phát hiện trong suốt thời gian qua.

Thống kê cho thấy, trong năm 2015, lực lượng an ninh hàng không đã phối hợp với Cảng vụ hàng không và các đơn vị có liên quan, phát hiện và xử lý 41 vụ việc vi phạm tại cảng hàng không. Trong số này có 31 vụ hành khách mang theo vũ khí, với thủ đoạn tinh vi như tháo rời các bộ phận của vũ khí, cất giấu vận chuyển trên hành lý xách tay, ký gửi vào các lô hàng hoá khác nhau; 6 trường hợp hành khách vận chuyển các chất ma tuý tại các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cát Bi; 3 trường hợp nhân viên hàng không vi phạm vận chuyển hàng điện tử không có giấy tờ hợp lệ (chủ yếu là điện thoại di động Iphone 6), 1 trường hợp vận chuyển vàng trái phép.

Hành khách chờ lấy hành lý tại sân bay.

Ngoài ra, cũng trong năm 2015, Chi cục Hải quan tại Nội Bài đã phát hiện 26 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua cửa khẩu, gồm các mặt hàng như ngoại tệ, mỹ phẩm, điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ, máy ảnh, máy quay... Đặc biệt, hồi giữa tháng 8, lực lượng chống buôn lậu của Hải quan Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu Nội Bài đã phát hiện trong 4 kiện hành lý của 2 hành khách trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam có chứa 49 khúc sừng động vật nghi là ngà voi, có tổng trọng lượng gần 100kg và 1 khúc nghi là sừng tê giác có trọng lượng 4,76kg.

Thừa nhận hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng hoá trái phép qua đường hàng không, đã xảy ra tại một số cảng với các thủ đoạn tinh vi, có sự móc nối, tiếp tay của nhân viên ngành Hàng không, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cũng cho biết cảng hàng không, sân bay là cửa ngõ giao thương, đi lại trong nước và quốc tế. Đây là địa bàn mà hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển hàng cấm diễn ra khá phức tạp.

Thực tế, theo Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn, hoạt động khai thác trên sân bay trong nước và nước ngoài, nhiều chặng bay quốc tế đường dài và các chuyến bay nối chuyến qua các sân bay tại các nước, quy định pháp luật của các nước về quản lý xuất nhập khẩu, quy định hải quan cũng có nhiều khác biệt, nên công tác phối hợp với nhà chức trách tại các sân bay nước ngoài và công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao để xâm nhập vào hệ thống thương mại điện tử, nhằm mục đích hoạt động lừa đảo, gian lận thương mại không những đang gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành hàng không. “Để giải quyết tình trạng này cần phải có sự phối hợp, xử lý với nhiều ngành như ngân hàng, Công an, hải quan, quản lý thị trường…” – ông Sơn nói.

Đặng Nhật
.
.
.