Chế biến để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu

Thứ Bảy, 18/07/2020, 07:43
Hiện, nông sản Việt Nam đã có mặt hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu xuất khẩu (XK) ở dạng tươi, thô. Trong khi đó, công nghệ xử lý, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn yếu... nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đến thị trường XK, nhất là thị trường ở xa. Chính vì vậy, chế biến sản phẩm nông sản đã trở thành giải pháp, vừa nâng cao giá trị sản phẩm và cũng vừa đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường XK...


Đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và đang triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU. Song, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh, yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), mức độ định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, tổng diện tích trồng trái cây hiện nay cả nước có trên 924.000 ha, tổng sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm đến 50% tổng diện tích và 60% sản lượng của cả nước.

Thanh long trồng manh mún tại 62/63 tỉnh, thành (trong khi quy hoạch của Nhà nước chỉ có 3 tỉnh) và bị cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, mưa bão, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, hạn hán kéo dài gây thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến diện tích và năng suất cây trồng, điều này thấy rõ ở ĐBSCL. Ngoài khó khăn trên, nông sản Việt Nam còn rất nhiều nhược điểm cần phải khắc phục để cạnh tranh với thị trường thế giới.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhìn nhận: Ngoài khâu sản xuất còn yếu, khâu thu hái, bảo quản, chế biến trái cây cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc thu hoạch, phân loại, đóng gói trái cây chủ yếu theo phương thức thủ công, thiếu kho lạnh, máy lạnh và công nghệ để bảo quản trái cây. Chiếu xạ trái cây XK hiện chỉ có 1 nhà máy ở TP Hồ Chí Minh được phép hoạt động.

Chính vì thiếu và yếu các công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch nên tỷ lệ thất thoát khá cao, chiếm đến 20 - 30% dẫn đến giá thành cao. Các DN đóng gói và XK trái cây phần lớn dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến sâu còn ít. Cả nước có trên 150 cơ sở chế biến chỉ đạt trình độ trung bình của thế giới, với sản lượng chế biến thực tế chỉ khoảng 500 ngàn tấn/năm, nhưng công suất thiết kế hơn 1 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, một số nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Malaysia... kể cả Trung Quốc (nước NK rau quả chiếm đến 70% của Việt Nam) đã đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới (vốn là thế mạnh của Việt Nam) đạt trình độ cao của thế giới, và đặc biệt đã xây dựng được các thương hiệu mạnh, nổi tiếng. Ngoài ra, họ còn phát triển, thâu tóm các hệ thống phân phối khắp nơi trên thế giới để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm nước họ.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến không đảm bảo ATTP, ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và XK.

Tuy nhiên, đến nay tình hình cũng đã cải thiện nhưng chưa triệt để. Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, diện tích trồng trái cây của Việt Nam hiện áp dụng quy trình sản xuất an toàn như VietGap, Global Gap... còn rất thấp, chỉ 10-15% diện tích trồng trọt, trong khi đó các quốc gia NK đang có xu hướng ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và ATTP (dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm không vượt ngưỡng quy định), truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm cho việc tăng sản lượng trái cây XK và mở cửa thêm thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.

Về giải pháp để thúc đẩy mặt hàng rau quả trong thời gian tới, ông Đặng Phúc Nguyên phân tích, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK mặt hàng rau quả đạt gần 1,8 tỷ USD (giảm 10-12% so cùng kỳ năm ngoái). Nhưng trong đó, kim ngạch XK sang Trung Quốc giảm 30% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi ngược lại các thị trường khó tính, kim ngạch XK đạt 600 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái 450 triệu USD).

“Từ con số này tôi nghĩ, trong tương lai không xa thị trường khó tính sẽ cân bằng với thị trường Trung Quốc 50-50, nếu chúng ta thực hiện một số giải pháp. Chẳng hạn Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để làm sao 90% - 100% hộ sản xuất nhỏ lẻ tham gia vào những hình thức sản xuất tập thể (như hội quán, HTX, nông trường nông trại... ) để dễ dàng áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đạt chuẩn chất lượng, giúp DN có đủ nguyên liệu mở rộng XK.

Thực hành sản xuất nông nghiệp VietGap, LobalGap... để nhà sản xuất phải gắn kết với DN. Đề xuất ưu tiên vốn vay cho các DN lớn đầu tư vào trồng trọt, xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông sản hiện đại mang tầm vóc quốc gia, khu vực để giúp tăng tiêu thụ sản phẩm.

 Bên cạnh đó cần thu hút mạnh các nhà đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông sản đến từ các thị trường khó tính như các nước EU, Mỹ, Nhật, Autraslia, Hàn Quốc... để giúp chúng ta nhanh chóng thúc đẩy công nghệ chế biến sâu phát triển mạnh mẽ, giúp nông sản Việt Nam có thể vươn tới các thị trường xa mà XK tươi không tới được”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Thúy Hà
.
.
.