Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Lời cảnh tỉnh cho nhà làm chính sách

Thứ Sáu, 03/07/2020, 08:46
Là một trong 5 mũi giáp công để vực dậy và phát triển nền kinh tế sau dịch bệnh, đầu tư công trở thành động lực quan trọng, quyết định lớn đến sự thành công hay thất bại của nền kinh tế năm 2020.

Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Chính phủ lên cao, song thực tế, quá trình giải ngân vốn đầu tư công đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều đáng buồn đó là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng mới chỉ đạt 26%, giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài chỉ mới đạt 13,1% kế hoạch cả năm. Nhiều bộ, ngành, địa phương phân bua, kêu vướng mắc, thậm chí xin trả lại vốn. Đâu là thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để gỡ vướng cho công tác này.

Gần 600 nghỉn tỷ “nằm” chờ giải ngân

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Đây là một con số lớn, cho thấy quyết tâm đẩy mạnh mũi giáp đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch.

Đầu tư công là 1 trong 5 mũi giáp công để phát triển kinh tế.

Như vậy, còn lượng vốn rất lớn đang chờ giải ngân, khoảng hơn 577 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, cho đến thời điểm này, 6 tháng trôi qua mà vẫn còn nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng nào. Có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%, trong đó, chỉ có 3 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40%. Có 34 bộ, cơ quan trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó, có 18 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương vẫn “giậm chân tại chỗ”, giải ngân không cải thiện so với tháng trước. Nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam…

Đối với công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thông tin: Đến 24/6, giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt 13,1% (7.427 tỷ đồng) so với dự toán. Trong số đó, có 3 bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch được giao gồm Bộ Giao thông Vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%), Bộ Y tế (27,3%); có 1 bộ chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bộ Công Thương (dự toán được giao là 138 tỉ đồng).

Tương tự, giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỉ đồng (11,98%). Đáng chú ý có có tới 10 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang. Còn tại các thành phố lớn, tình hình giải ngân vốn đầu tư công cũng trong tình trạng “đì đẹt”. Riêng đối với TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%.

Giải thích về tốc độ “rùa bò” này, Bộ Tài chính cho biết do TP Hồ Chí Minh đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án là Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh, trị giá 4.600 tỷ đồng. Trường hợp UBND thành phố, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.

Còn tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, với số vốn đầu tư công cần giải ngân của Hà Nội năm 2020 khoảng 37 - 40 nghìn tỷ đồng, nếu giải ngân hết thì đây là vốn mồi rất quan trọng, có tác động lan tỏa lớn, nhất là các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu.

Cụ thể, trong năm nay, Hà Nội có 125 dự án chuyển tiếp, đã hoàn thành 25 dự án trong quý I, và các quý khác sẽ tiếp tục thực hiện; 84 dự án mới đã khởi công và giải ngân được 30 dự án, còn lại đã làm xong tất cả thủ tục đầu tư và đang làm thủ tục chọn nhà thầu để có thể khởi công từ nay cho đến cuối năm.

Thấp từ “đầu tàu” tới tỉnh nhỏ

Chia sẻ với tư cách là người trong cuộc, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài thấp là do TP đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại TP, nhất đối với các gói thầu ngắn hạn cần phải có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.

Bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết thêm, dự kiến đến hết tháng 7 năm nay, khi các kiến nghị được giải quyết thì TP sẽ giải ngân vốn nước ngoài vay lại được khoảng 7.630 tỉ đồng, đạt 53,76% so với kế hoạch và tiếp tục có đà phấn đấu đạt mức cao nhất hoàn thành chỉ tiêu giải ngân năm 2020.

Khá hơn chút nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, tại đầu tàu kinh tế Hà Nội, ông Doãn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA đạt 22,14% kế hoạch giao. Theo ông Toản, có một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA. Trong đó, riêng với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo còn vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, chưa thực hiện xong.

Đối với dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 – hệ thống thẻ vé, do chưa ký được Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp nên chưa ký được hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và TP.

Vị lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có quy định về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu, thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu.

Còn tại Kiên Giang, tính đến cuối tháng 5/2020, giá trị giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh chỉ đạt 1.024 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch năm 2020, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiếu công nhân lao động, các dự án, công trình tạm ngừng khởi công, thi công xây dựng.

Tiếp đến, do ảnh hưởng của hạn mặn diễn biến phức tạp kéo dài, nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn phải đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt gây cản trở, khó khăn cho phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nên nhiều dự án, công trình chậm tiến độ.

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành về việc tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020; xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho thấy, tỷ lệ giải ngân đến giữa tháng 5/2020 đạt rất thấp.

Cụ thể, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm trước chuyển sang 2020 đạt 5,5% kế hoạch. Thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2020, trong đó, kế hoạch vốn ngân sách tập trung tỉnh đạt 27,42%, kế hoạch vốn xổ số kiến thiết đạt 13,35%. Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 15/6, tỉnh mới giải ngân được trên 4.100 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư công, bằng 25,6% kế hoạch năm 2020.

Đây là tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu của tỉnh đề ra là hết tháng 6 giải ngân 50% và hoàn thành 100% trong tháng 9/2020.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực trên 16.000 tỷ đồng, tương đương với 55,6% tổng chi ngân sách dành cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công khá chậm... 

“Thành công hay thất bại trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các cơ quan Trung ương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Hà An
.
.
.