Càng khai thác tài nguyên, càng nghèo đói

Thứ Bảy, 24/12/2016, 11:02
Tại buổi tọa đàm "Chính sách khoáng sản sau 5 năm thực hiện và định hướng thời kì tới" do Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Khoáng sản tổ chức ngày 23-12, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia lệ thuộc vào tài nguyên đang tồn tại một nghịch lý: Càng khai thác, càng nghèo đói.

Tại Việt Nam, nguồn thu từ tài nguyên ngày càng giảm, trong khi sản lượng khai thác vẫn không ngừng tăng lên.

Nguồn thu từ khoáng sản ngày càng giảm

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản giảm rất nhanh trong những năm gần đây. Năm 2013, nguồn thu thuế tài nguyên đạt 37.875 tỉ đồng, chiếm 4,6% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đến năm 2015, nguồn thu thuế tài nguyên chỉ còn 29.111 tỉ đồng, chiếm 2,7% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Điều này được lí giải là do số thuế tài nguyên từ dầu khí giảm mạnh bởi biến động giá dầu thô trên thế giới. Giá bán dầu thô năm 2013 là 112,3 USD/thùng thì đến năm 2015 chỉ còn 56 USD/thùng. Nguồn thu ngân sách ngày càng giảm nhưng sản lượng khai thác vẫn không ngừng tăng lên. Sản lượng khai thác dầu thô năm 2013 là 15,25 triệu tấn, đến năm 2015 tăng lên 16,7 triệu tấn.

Hiện nay, ngành khai khoáng ở Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề như thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác; mức độ minh bạch trong quản lí tài nguyên còn hạn chế; công nghệ lạc hậu dẫn đến thất thoát tài nguyên; nhiều loại khoáng sản sẽ cạn kiệt trong thời gian ngắn.

Bà Trần Thanh Thuỷ - đại diện Tổ chức Oxfam cho biết, qua nghiên cứu tại nhiều quốc gia như Angola, Nigeria, Guinea... thì khai thác khoáng sản và sự nghèo đói có mối liên hệ với nhau. Ở những quốc gia giàu tài nguyên, tỉ lệ phụ thuộc tài nguyên chiếm tới 62%, tỉ lệ đói nghèo cũng lên tới 64%. Sự phụ thuộc tài nguyên quá lớn khiến các quốc gia quên đi việc phát triển những ngành công nghiệp khác bền vững hơn.

Nguồn thu từ tài nguyên ở Việt Nam ngày càng giảm trong khi sản lượng khai thác vẫn không ngừng tăng lên.

Việt Nam nghèo tài nguyên

Theo chuyên gia Nguyễn Thành Sơn, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia nghèo về tài nguyên, giống như Nhật Bản. Đến nay, công tác điều tra khảo sát địa chất trên lãnh thổ Việt Nam chỉ phát hiện được khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau (trong số gần 200 loại khoáng sản tồn tại trong tự nhiên), nằm rải rác ở gần 5.000 điểm quặng và tụ khoáng. Bởi vậy, có thể khẳng định, tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam vốn đã không đa dạng lại còn rất manh mún, nhỏ lẻ.

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong số 60 loại khoáng sản đã được phát hiện chỉ có khoảng 30 loại khoáng sản đã được thăm dò đánh giá trữ lượng. Trong số này mới chỉ có dầu khí, than, apatit được thăm dò tương đối cơ bản và chắc chắn, số còn lại chủ yếu mới ở điều tra cơ bản. Qua đánh giá trữ lượng, hầu hết trữ lượng các mỏ đều chỉ ở mức trung bình.

Trữ lượng khoáng sản không lớn, trong khi điều kiện khai thác lại ngày càng khó khăn. Dầu mỏ, khí thiên nhiên của Việt Nam hoàn toàn nằm ngoài thềm lục địa, cách xa bờ. 

Chi phí khai thác dầu mỏ ở Việt Nam trong năm 2015 đã cao hơn giá bán. 80% trữ lượng than phải khai thác bằng hầm lò, rất khó cơ giới hoá, chi phí tăng cao. Chi phí khai thác bình quân đã lên tới 70 USD/tấn, cao hơn giá than nhập khẩu. Các mỏ sắt đều nằm sát biển, trong khi các mỏ titan sa khoáng có trữ lượng rất thấp, lại nằm ở vùng khan hiếm nước.

Theo TS Sơn, do tiêu chuẩn tính trữ lượng của Việt Nam rất thấp nên gây ra hiểu nhầm là tài nguyên khoáng sản Việt Nam rất lớn, trong khi thực tế là rất nhỏ và không đáng kể. Ví dụ, tổng trữ lượng than có thể đưa vào khai thác hiện chỉ có khoảng 1,326 tỉ tấn (trong đó lộ thiên khoảng 387 triệu tấn và hầm lò khoảng 940 triệu tấn) nhưng trong quy hoạch lại được đánh giá lên tới 40,93 tỉ tấn. Các mỏ titan, bauxite... cũng đều có cách tính trữ lượng rất mơ hồ, thiếu thực tế.

Cần sửa đổi Luật Khoáng sản 2010

TS Lê Ái Thụ - Hội Địa chất Việt Nam khẳng định, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Khoáng sản 2010 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản coi như thất bại. 

Theo quy định tại điều 79 của Luật Khoáng sản 2010, có 2 loại đấu giá gồm: đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở nơi chưa thăm dò và đấu giá quyền khai thác ở nơi đã có kết quả thăm dò. Về cơ bản, các khu vực có kết quả thăm dò đều đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực.

Trong khi đó, việc đấu giá ở nơi chưa có kết quả thăm dò lại không khả thi do thông tin về mỏ rất mơ hồ. "Đấu giá hiện nay rất tù mù, cả người bán và người mua đều không biết cái mỏ ấy to nhỏ ra sao. Cơ quan quản lí Nhà nước tù mù, doanh nghiệp lại càng tù mù. Do không đánh giá được trữ lượng nên việc xác định giá khởi điểm rất khó thực hiện, nếu có cũng khó đảm bảo độ tin cậy" – TS Sơn nói.

Chính vì điều này mà tất cả các mỏ do Trung ương tiến hành đấu giá đều không thực hiện được. Tại các địa phương, cũng chỉ có vài mỏ được tổ chức đấu giá nhưng người thắng cuộc sau đó cũng "bỏ của chạy lấy người". 

TS Sơn cũng nói thêm, công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay cũng chưa phù hợp với đối tượng là khoáng sản. Với mỏ đồng Sinh Quyền hay mỏ sắt Thạch Khê, tiền cấp quyền lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Nếu không thực hiện một cách cẩn thận thì Nhà nước sẽ bị thất thu.

Khai khoáng là ngành công nghiệp phức tạp, muốn quản trị tốt phải có mức độ minh bạch cao. Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) được coi là sáng kiến hiệu quả nhất. Cho đến tháng 12-2015, đã có 49 quốc gia trên thế giới tham gia EITI, trong đó có những quốc gia hùng mạnh như Anh, Mỹ, Nauy...

Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2005, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về việc tham gia EITI. Việc sớm tham gia EITI sẽ giúp Việt Nam minh bạch hơn ngành khai khoáng, kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách.

Khánh Vy
.
.
.