CPTPP và EVFTA đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam

Thứ Tư, 23/09/2020, 17:19
Chiều nay 23/9, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đọc báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành 15 văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP, bao gồm: 02 Luật, 03 Nghị định, 09 Thông tư, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành mới để bảo đảm sự tương thích với Hiệp định CPTPP.

Ngay sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP với các nhóm nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện. 

Cho đến nay, đã có 26 Bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương và 62/63 địa phương đã xây dựng Kế hoạch của đơn vị mình và gửi về Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Bộ Công Thương đã tổng hợp và gửi Công văn số 696/BCT-ĐB ngày 5/2/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả một năm triển khai Hiệp định CPTPP).

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đọc báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành.
Việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực

Ngoài ra, việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực: Về môi trường, về lao động, về sở hữu trí tuệ, về mua sắm ....

Kể từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, v.v.. 

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.

Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định quan trọng này, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với Hiệp định EVFTA, trong thời gian tới, trên cơ sở các kiến nghị và giải pháp đã trình bày đối với Hiệp định CPTPP nêu trên.

Lưu Hiệp
.
.
.