Buôn lậu vùng biên giới An Giang diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm
Ngày 14-8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2018.
- Xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại
- Phòng chống buôn lậu phía Nam: Tích cực nhưng hiệu quả chưa cao
- Vẫn “nóng” tình trạng buôn lậu ở biên giới Tây Nam
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 914 vụ (giảm 20% so với cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ trên 28,5 tỷ đồng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 9,9 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang bắt giữ một vụ vận chuyển đường cát lậu. |
Thuốc lá điếu nhập lậu tại biên giới Tây Nam - vấn đề “nóng” được quan tâm. |
Cần có chế tài, xử lý các đối tượng canh đường, tiếp tay buôn lậu. |
Các đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hầu hết là người không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh kinh tế nghèo khó, lấy hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng cấm làm nguồn thu nhập chính trong gia đình. Trong đó, một số đối tượng là người thân hoặc chịu ơn của các đối tượng cầm đầu hoặc bị ràng buộc về kinh tế nên sẵn sàng nhận tội thay. Việc vận động chuyển đổi nghề cho nhóm đối tượng này rất khó khăn. Chưa có chế tài xử lý các đối tượng canh đường, tiếp tay cho buôn lậu.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh An Giang, nhấn mạnh: “Trong thời gian tới các ngành, các cấp tỉnh An Giang cần tập trung mọi nguồn lực để công tác phòng, chống buôn lậu có hiệu quả cao. Xem báo chí là lực lượng tham gia góp phần đấu tranh trong công tác phòng chống buôn lậu. Phối hợp với báo, đài, kịp thời phát hiện khen thưởng những tập thể, cá nhân đấu tranh có hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn lậu. Đồng thời, phản ánh, xử lý những trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ cho các lực lượng chống buôn lậu, đặc biệt chú trọng kĩ năng trong mùa nước nổi sắp tới…
Nếu cần thiết, tổ chức đối thoại, gặp gỡ những đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, các đầu nậu… để công tác vận động, tuyên truyền thật sự có chiều sâu, hiệu quả. Đưa cộng đồng tham gia phòng, chống buôn lậu, cần có cơ chế khen thưởng đặc biệt cho công tác phòng, chống buôn lậu, cụ thể có thể khen thưởng 50% trên giá trị hàng hóa buôn lậu. Cần nâng cao chất lượng của thuốc lá, đường trong nước và xem xét giá thành phù hợp để “cạnh tranh” với hàng lậu. Cán bộ phải “giữ mình” và hoàn thành nhiệm vụ bằng tâm huyết, trách nhiệm”.
Dịp này, BCĐ 389 tỉnh An Giang cũng đã tặng giấy khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả.