Phòng chống buôn lậu phía Nam: Tích cực nhưng hiệu quả chưa cao

Thứ Bảy, 30/06/2018, 09:19
Sự phối hợp ngày càng gắn kết giữa các Chi cục QLTT mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu. Tuy nhiên, các Đội QLTT có địa bàn giáp ranh chưa thực sự chủ động trong công tác dự báo tình hình, cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn, hoạt động mới của các loại tội phạm.

“Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu các tỉnh phía Nam vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, luôn thay đổi phương thức hoạt động, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Công tác phòng chống buôn lậu, đấu tranh ngăn chặn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm... đã được triển khai với nhiều biện pháp tích cực, nhưng hiệu quả chưa đạt yêu cầu” - đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội nghị “Giao ban công tác phối hợp 19 Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm 2018” do Cục QLTT - Bộ Công Thương tổ chức tại tỉnh Hậu Giang ngày 29-6.

Thủ đoạn tinh vi

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra gần 16.000 vụ, phát hiện vi phạm hơn 9.100 vụ việc (giảm 19% so với cùng kỳ năm 2017), xử lí hơn 9.000 vụ (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2017), những vụ việc còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, thu phạt tổng số tiền gần 102 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017) và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm.

Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, thuốc tân dược, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, mắt kính, đồng hồ đeo  tay, rượu, đồ chơi trẻ em, phụ tùng ô tô, điện thoại… 

Cán bộ QLTT tỉnh Hậu Giang kiểm tra, phòng chống buôn lậu, đấu tranh ngăn chặn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Để dễ dàng tiêu thụ và qua mặt các cơ quan chức năng, các đầu nậu tập trung sản xuất, kinh doanh giả là những loại hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng hoặc được tiêu thụ nhiều trên thị trường (như giày, dép, quần áo, túi xách của các nhãn hiệu nổi tiếng như: Nike, Adidas, Tommy, Gucci, máy tính Casico, giấy vệ sinh Sài Gòn, phụ tùng xe Honda, bột ngọt Ajinomoto, trà, cà phê, xi măng,...); đặc biệt là việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đang là mối nguy hại cho người dân và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý.

Để đối phó với lực lượng QLTT, các đối tượng lợi dụng các tuyến đường biên giới tại Bến Cầu và Trảng Bàng (Tây Ninh), Đức Huệ, Đức Hòa (Long An); khu vực giáp ranh Tây Ninh và Long An;... sau đó hàng lậu được đưa theo quốc lộ 22 hoặc kênh Thầy Cai về TP Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tiêu thụ.

Tại các tỉnh, thành miền Tây, hàng nhập lậu từ biên giới tỉnh An Giang, Kiên Giang được đưa theo quốc lộ 91 hoặc theo các tuyến đường  thủy về TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh tiêu thụ...

Ông Phan Văn Chính, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều hình thức khác nhau như: Sản xuất kinh doanh hàng hóa không đảm bảo như chất lượng quảng cáo, công cụ và chất lượng sản phẩm không đúng theo công bố nhằm mục đích lừa dối khách hàng; vi phạm về ghi nhãn hàng hóa; không niêm yết giá bán; gian lận trong kê khai giá trên hóa đơn để giảm thuế giá trị gia tăng, không xuất hóa đơn, chứng từ, quay vòng hóa đơn, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu; gian lận mua bán qua mạng Internet…. 

Ngoài ra, đối với hàng hóa làm giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ được các đối tượng sản xuất theo từng đơn hàng, làm xong đến đâu vận chuyển đi tiêu thụ hết đến đó, không để tồn ở cơ sở sản xuất. Thường các đối tượng hoạt động ở địa bàn ít dân cư, sản xuất vào ban đêm hoặc ngày nghỉ nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Tấn Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Long An chia sẻ khó khăn trong công tác thực tế: “Các điểm bán thuốc lá lẻ trong nội địa, cụ thể như nhà hàng, quán cà phê… thường cất giấu thuốc lá điếu nhập lậu nơi ở, không bày bán công khai nên khi kiểm tra rất khó phát hiện. 

Hơn nữa, việc xử lý thuốc lá điếu nhập lậu gặp khó khăn do không xác định được giá thuốc lá để xác định thẩm quyền xử lý tịch thu. Chính vì thế các hồ sơ thuốc lá có số lượng từ 400 gói trở lên phải đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử lý tịch thu, gây khó khăn cho công tác xử lý đối tượng và tang vật”.

Về mặt hàng đường cát nhập lậu, ông Nguyễn Hoàng Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang cho biết, tại các tuyến biên giới, các đối tượng mang bao bì có in logo, nhãn mác của công ty, nhà máy đường trong nước qua biên giới Campuchia, sau đó chứa đường của các nước khác vận chuyển ngược về nội địa Việt Nam tiêu thụ. 

Tinh vi hơn các đầu nậu thuê đất bên kia tuyến biên giới làm nhà kho chứa đường lậu, sau đó nấu thành nước hoặc chế biến thành đường phèn... Ngoài ra, các đối tượng còn mua đường hóa giá để có hóa đơn “xoay vòng”, nhằm đối phó với lực lượng chức năng...

Hiệu quả chưa cao

Thời gian gần đây, sự phối hợp ngày càng gắn kết giữa các Chi cục QLTT mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng liên quan đến nhiều đối tượng trên nhiều địa bàn. 

Hạn chế được hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức… 

“Tuy nhiên, các Đội QLTT có địa bàn giáp ranh chưa thực sự chủ động trong công tác dự báo tình hình, trao đổi, cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn, hoạt động mới của các loại tội phạm chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác xây dựng chuyên án chung trong việc duy trì theo dõi nắm bắt tình hình các đối tượng phạm tội, đường dây, ổ nhóm hoạt động liên tuyến, liên tỉnh còn hạn chế, bất cập. Kinh phí, phương tiện, công cụ hỗ trợ trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của lực lượng QLTT còn hạn chế. Các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT còn chồng chéo, thiếu tính thực tế, chậm thay đổi cho phù hợp với Pháp lệnh QLTT”, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, nêu tồn tại, hạn chế.

Phần đông các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác phòng chống buôn lậu còn mang tính riêng lẻ, chủ yếu là trách nhiệm, là nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách, chưa thật sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ khóm, ấp, xã, phường khu vực biên giới. 

Lực lượng chống buôn lậu chưa nhận được sự hỗ trợ, tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cư dân vùng biên. “Chính vì thế, cần có chính sách khuyến khích như tăng mức hỗ trợ, khen thưởng cho người dân cung cấp thông tin, tố giác về buôn lậu và cho lực lượng chống buôn lậu”, một đại biểu đề nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao công tác phối hợp giữa 19 Chi Cục QLTT khu vực phía Nam. 

Đồng thời, lưu ý các Chi cục QLTT, trong 6 tháng cuối năm cần phải có sự quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Chi cục QLTT với nhau, giữa lực lượng QLTT với Công an, Hải quan, Biên phòng... 

“Tới đây, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung kinh phí liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QLTT rộng rãi đến với nhiều đối tượng bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, sẽ xem xét việc cải tiến, hoàn thiện ứng dụng báo cáo điện tử theo hướng tích hợp một ứng dụng quản lý đầy đủ dữ liệu của lực lượng QLTT để từng Chi cục có cơ sở dữ liệu tiện lợi cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm...”,  Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết.

Các đại biểu dự hội nghị cũng đã kiến nghị Bộ Công thương cần sớm hướng dẫn quy trình kiểm tra, giám sát đối với tổ chức được mua thuốc lá điếu qua đấu giá và thực hiện việc xuất khẩu ra nước ngoài, nhằm thực hiện nghiêm Quyết định 20/2018/QĐ-TTg ngày 26-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.
Trần Lĩnh
.
.
.