Buôn lậu trên biển vẫn diễn biến phức tạp
Than, nội tạng “bẩn” đi trên tuyến biển
Tuyến biển Quảng Ninh – Hải Phòng là nơi diễn ra nhiều hoạt động vận chuyển than trái phép trong dịp đầu năm. Các đối tượng thường mua than trôi nổi giá rẻ, sau đó pha trộn với than mua chính ngạch, hợp lý hóa giấy tờ, thủ tục để tiêu thụ.
Ngày 6-4, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát khu vực Hòn Đũa, thuộc vùng biển Cẩm Phả (Quảng Ninh), Đội tuần tra, kiểm soát của Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) phát hiện tàu bỏ sắt BKS NDD3498 đang chở 1.700 tấn than bùn xít.
Tàu chở than trái phép trên vùng biển Quảng Ninh bị phát hiện, bắt giữ. |
Thuyền trưởng Nguyễn Đức Sơn (Nam Định) đã không xuất trình được giấy tờ hợp lệ của số than trên. Trước đó, ngày 6-3, cũng tại khu vực Hòn Đũa, Hải đội 2 phát hiện tàu BKS TB-1991 chở 900 tấn than bùn không rõ nguồn gốc.
Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển cho biết, tuyến biển gần đây nổi lên hoạt động tàu vận tải Việt Nam câu kết, móc nối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện sang mạn tiêu thụ than trái phép. Các tàu chở than nước ngoài thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, tắt các thiết bị hành trình (định vị, AIS...), sử dụng giấy tờ giả mạo, đổi tên, quốc tịch, sơn lại tàu, xóa tên, số đăng ký tàu.
Hơn nữa, đối tượng buôn lậu còn thuê thuyền trưởng và thuyền viên người Việt Nam nhằm móc nối với các đối tượng trong nước tìm cách chuyển tải vào nội địa tiêu thụ khiến cho công tác phát hiện, bắt giữ gặp khó khăn.
Không chỉ than, trên tuyến biển phía Bắc, hoạt động buôn lậu, vận chuyển các mặt hàng cấm như thuốc lá, rượu, pháo vẫn diễn ra, đặc biệt là thực phẩm không rõ nguồn gốc. Theo Đại tá Ngô Bình Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, từ đầu năm 2019 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu, trong đó có các mặt hàng than, thuốc lá, thực phẩm “bẩn”.
Các đối tượng sử dụng xuồng cao tốc, vận chuyển thuốc lá vào sâu trong nội địa, chọn điểm giao dịch tại các bến nhỏ, dân cư thưa nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Riêng mặt hàng thực phẩm “bẩn”, Vùng Cảnh sát biển 1 bắt được 7 tàu chở hàng trăm tấn thực phẩm đông lạnh diện tạm nhập tái xuất vào Móng Cái (Quảng Ninh).
Theo Đại tá Ngô Bình Minh, nếu không kiên quyết xử lý, số thực phẩm “bẩn” là chân gà, nội tạng sẽ thẩm lậu vào trong nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Buôn lậu xăng dầu có yếu tố nước ngoài vẫn “nóng”
Vận chuyển, buôn bán xăng dầu vẫn nóng bỏng trên tuyến biển, đặc biệt là ở phía Nam. Đại tá Trần Văn Nam cho biết, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, các đối tượng mua xăng, dầu của tàu nước ngoài với giá rẻ không có giấy tờ hợp pháp, tại khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài để chuyển về vùng biển Việt Nam tiêu thụ, khi bị phát hiện đối tượng nhanh chóng cơ động ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 9-3-2019, tại vùng biển cách Nam Tây Nam Côn Đảo 100 hải lý, lực lượng chức năng BTL Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện 2 tàu hàng gồm: tàu ARISTSLEO, quốc tịch Singapone và tàu GLAYDY LUCK thuộc Công ty Hà Lộc Phát, hai tàu này đang cập mạn, có biểu hiện sang mạn xăng dầu trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, tàu ARISTSLEO, quốc tịch Singapone đang vận chuyển khoảng 3 triệu lít xăng, thuyền trưởng không xuất trình được đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp số lượng xăng trên tàu.
Trước đó, trên vùng biển Tây Nam, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu Zuma (quốc tịch Thái Lan) và tàu cá Việt Nam đang có hành vi cập mạn sang dầu DO trái phép tại khu vực cách đảo Hòn Khoai 150 hải lý. Trên 2 tàu có 220.000 lít dầu DO không có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Theo Đại tá Trần Văn Nam, do chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường các cấp có liên quan, lực lượng Cảnh sát biển tăng cường công tác trinh sát, bám nắm các địa bàn trọng điểm, theo dõi chặt chẽ tình hình về hoạt động của tội phạm, kịp thời báo cáo, tham mưu cho thủ trưởng Bộ Tư lệnh xây dựng phương án đấu tranh.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 215 vụ/331 đối tượng; khởi tố 26 vụ/38 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 136 vụ/216 đối tượng; bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 53 vụ/77 đối tượng. Trong đó, đã bắt giữ, xử lý 22 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, với 123 đối tượng, tang vật thu giữ: hơn 5.000 tấn than; trên 1 triệu lít dầu DO; 31,7kg pháo; gần 300 tấn phân lân; gần 700 tấn thực phẩm đông lạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại.