Bức tranh kinh tế toàn cầu 2015: Chưa có nhiều điểm sáng
- Tương lai không mấy khả quan cho kinh tế toàn cầu
- Còn nhiều khoảng cách trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu
- Chưa có bước đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Vào thời điểm những tháng cuối cùng năm 2015, cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu lần lượt từ 3,3% xuống còn 3,1% và từ 3,6% xuống còn 3,3%. Quyết định của những tổ chức tài chính lớn đưa ra đã phần nào cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu chưa thực sự chắc chắn, thậm chí có sự phân hóa về tăng trưởng.
Một trong những điều dễ nhận thấy nhất là trong khi Mỹ đạt được những kết quả tích cực (từ tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp đến lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp...) đủ mạnh để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng mức lãi suất từ 0% lên 0,25%, thì các nền kinh tế mới nổi từ Trung Quốc đến Brazil đồng loạt suy giảm, thậm chí một số quốc gia đối mặt với sức ép giảm phát.
Nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự phân hóa sâu sắc. |
Giới phân tích cho rằng đợt tăng lãi suất đầu tiên sau gần một thập kỷ của FED sẽ đánh dấu "sự chấm dứt một ảo tưởng lớn" về khả năng phục hồi kinh tế của các nền kinh tế mới nổi, điểm tựa cho kinh tế thế giới. Bởi các quốc gia này đã vận hành khá tốt khi FED giữ chính sách tiền tệ "nới lỏng", song với việc thay đổi lãi suất lần này, nhiều trong số các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn. Những nước này hiện là các nhà sản xuất lớn nguyên liệu thô và phát triển mạnh nhờ vào nhu cầu bùng nổ của Trung Quốc. Với việc nhu cầu các mặt hàng này giảm, tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng.
Các nước khai thác dầu mỏ, vốn bị tổn hại bởi giá dầu thô sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, cũng phải đối phó với tác động của việc Mỹ tăng lãi suất kéo theo việc đồng USD tăng giá. Theo các nhà kinh tế, các nước Vùng Vịnh, vốn có đồng nội tệ liên quan mật thiết với đồng USD, có thể cảm nhận gánh nặng bởi việc đồng nội tệ bị định giá quá cao. Để duy trì sự ổn định với đồng USD, họ sẽ phải tăng lãi suất, từ đó có thể mất đi công cụ chính thúc đẩy tăng trưởng.
Việc giá dầu thô giảm mạnh liên tục trong vòng 18 tháng cũng khiến giới phân tích giảm kỳ vọng về khả năng hồi phục của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Na Uy, Trung Đông và châu Phi.
Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - được xem là đang chật vật tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường tài chính khi phải viện tới các biện pháp hạ giá tiền tệ mạnh tay. Hoạt động của ngành chế tạo ở Trung Quốc đã sa sút xuống mức thấp nhất trong vòng 39 tháng qua. Lợi nhuận của các hãng công nghiệp lớn ở Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý III/2015 chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Trong khi đó, bên kia bờ Địa Trung Hải, để kích thích kinh tế, "lục địa già" đã phải hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm 0,3% và kéo dài chương trình mua lại trái phiếu. Động thái này cho thấy châu Âu đang phải vật lộn giải bài toán giảm phát và thúc đẩy bánh xe tăng trưởng kinh tế đang ì ạch nửa thập kỷ qua. Một số quan điểm hiện cho rằng tình hình kinh tế của nhiều nước mới nổi hiện đã ở mức quá tệ và các chính sách của FED sẽ không làm cho tình hình diễn biến xấu hơn nữa. Dòng vốn đã "chạy" khỏi các thị trường trái phiếu và cổ phiếu của các nước mới nổi với quy mô lớn chưa từng có trong khoảng nửa năm qua. Giá cả hàng hóa thiết yếu như nguyên liệu thô cũng giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Những diễn tiến trái chiều trên thực tế cho thấy rằng dù quốc gia có xuất phát điểm giàu có hay đang phát triển, việc sử dụng công cụ tài chính vĩ mô điều hành nền kinh tế là không hề đơn giản. Các nền kinh tế tương tác và diễn biến không tuân theo định hướng chiến lược được tiên liệu trước. Trong những ngày cuối năm, khi giảm phát và lạm phát xảy ra đồng thời trên các lục địa, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự phân hóa sâu sắc.
Mặc dù vậy, không thể không ghi nhận những những điểm sáng nhất định của nền kinh tế thế giới. Với sự hỗ trợ từ khoản mua trái phiếu trị giá 60 tỉ euro/tháng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Khu vực đồng euro cuối cùng cũng đã chứng kiến những tăng trưởng ở mức tương đối và tỉ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm. Một số nền kinh tế đang nổi cũng có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng của Ấn Độ được dự đoán sẽ có những chuyển biến tương đối tích cực trong năm tới, cùng với động lực có được từ kế hoạch cắt giảm lãi suất hồi đầu năm qua và tỷ lệ lạm phát thấp.
Hướng tới một nền kinh tế xanh. |
Nhiều người cũng lạc quan về tình hình ở Mexico khi các cải cách quan trọng trong ngành năng lượng bắt đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Giá thực phẩm đã đẩy lạm phát của Brazil tăng 10% trong suốt cuộc khủng hoảng trầm trọng và mọi chuyện thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.
Nga, nền kinh tế được dự báo gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm và tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, được đánh giá đã vượt qua đáy khủng hoảng. Tổng thống Vladimir Putin, trong cuộc họp báo lớn thường niên tổng kết tình hình cả năm 2015 tuyên bố dòng vốn đổ vào thị trường Nga chứng tỏ mối quan tâm của các nhà đầu tư. Những dấu hiệu ổn định trong hoạt động kinh doanh kể từ quý II đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong tháng 9 và 10 bắt đầu tăng nhẹ 0,1-0,3%, sản lượng công nghiệp cũng tăng sau 5 tháng giảm.
Đặc biệt việc dòng rút vốn giảm, thậm chí bắt đầu tăng từ quý III vừa qua càng chứng tỏ các nhà đầu tư đã quan tâm đến kinh tế Nga và muốn làm việc tại đây. Một con số khá ấn tượng về kinh tế Nga những tháng cuối năm, đó là dự trữ vàng và ngoại tệ vẫn đạt 364,4 tỉ USD. Mặc dù kim ngạch chung giảm, song xuất siêu vẫn đạt 126,3 tỉ USD.
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới phục hồi chưa đồng đều, giới phân tích cho rằng triển vọng toàn cầu năm 2016 sẽ vẫn có sự phân hóa về tăng trưởng với hai xu hướng. Một là củng cố sự phục hồi của các nước phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2%, theo đó sau giai đoạn khủng hoảng, các nước phát triển cơ bản thoát khỏi khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi và có sự phục hồi chắc chắn hơn.
Xu hướng thứ hai là các nước mới nổi sẽ phải hứng chịu nhiều sức ép trong năm 2016, từ năng lực nội tại yếu đến việc suy giảm tốc độ tăng trưởng do bất lợi về giá nguyên liệu đầu vào, cũng như do sự bất ổn từ việc FED nâng lãi suất. Những yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng giảm tốc mạnh ở các nước mới nổi với mức tăng trưởng dự đoán giảm chỉ còn khoảng 2,4% và kịch bản về cuộc khủng hoảng tài chính mới ở những nước này vẫn chưa hoàn toàn loại trừ.