Còn nhiều khoảng cách trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu

Thứ Bảy, 26/06/2010, 11:45
Ngày 25/6, lãnh đạo của 8 quốc gia công nghiệp phát triển đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Huntsville, Ontario, phía Bắc Toronto (Canada). Mục đích chính của Hội nghị là nhằm bàn thảo những phương cách để giúp các nước nghèo thoát khỏi cơn suy thoái kinh tế hiện nay. Nhưng cái khó là bản thân các nước G8 cũng đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.

Và mặc dù G8 đã cố tránh nói nhiều về những khó khăn kinh tế mà bản thân họ đang vấp phải, song, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, sự thiếu thốn trong nước đã buộc G8 phải "thắt chặt hầu bao" hơn đối với những nước nghèo mặc cho các tổ chức quốc tế ra sức kêu gọi giúp đỡ. Nước chủ nhà Canada trước thềm Hội nghị từng cam kết sẽ đảm bảo nguồn viện trợ cho các nước nghèo không bị giảm.

Song, một mình Canada thì cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề. Hãng Reuters bình luận rằng, các nhà lãnh đạo những nước công nghiệp hàng đầu thế giới tới Toronto với một mục đích chung, nhưng cái cách mà họ tiến đến mục đích đó thì lại hoàn toàn khác nhau và không đồng đều. Trước hết, đó là khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu.

Hai ngày trước, giới chức Mỹ-châu Âu đã cố gắng giảm bớt đi những khác biệt giữa Mỹ-châu Âu trong việc đối phó với thâm hụt ngân sách song không thành công. Châu Âu luôn phản đối quan điểm của Mỹ về việc tăng thêm tiền cho các gói cứu trợ. Tiếp đó là mâu thuẫn trong chính nội bộ châu Âu mà ví dụ rõ nhất là vấn đề giải quyết nợ công ở Hy Lạp.

Canada đã chi tới gần 1 tỷ USD cho các hoạt động an ninh bảo vệ Hội nghị G8 và G20.

Những rắc rối mà chính quyền Athens đang vấp phải đã buộc châu Âu phải chú ý nhiều hơn về cách thức giảm thiểu thâm hụt ngân sách trước khi các nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bỏ đi. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso từng tuyên bố rằng, châu Âu sẽ không chấp nhận việc đi vay mà phải "sửa chữa lại cách tiêu dùng ngân sách để xây dựng lại một cơ chế tăng trưởng bền vững".

Nhưng trong vấn đề cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng, xem ra, các nước G8 lại có sự đồng thuận. Châu Âu đang đề xuất về gói thuế toàn cầu cho việc trung chuyển tài chính và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh một cuộc khủng hoảng như năm 2008. Ngay sau hội nghị ở Hunstville, các nhà lãnh đạo G8 cũng sẽ tham dự Hội nghị G20 tại Toronto.

Do tổ chức 2 hội nghị lớn liền một lúc nên Canada đã phải huy động các đơn vị an ninh vào cuộc, đảm bảo an toàn cho các chính khách nước ngoài và sự thành công của các hội nghị. Ước tính, Canada đã phải chi tới gần 1 tỷ USD cho các hoạt động bảo vệ an ninh. Canada cũng đã xem lại lên kế hoạch đối phó với khả năng xảy ra biểu tình lớn. Riêng khu vực trung tâm nơi diễn ra hội nghị, từ ngày 7/6, lực lượng an ninh đã cho lập một hàng rào sắt cao 3m và các chốt kiểm soát…

Nỗ lực lớn như vậy nên chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị, Canada đã phát hiện và đập tan 2 âm mưu tấn công khủng bố. Hôm 24/6, cảnh sát Canada lại phát hiện một xe chở đầy vũ khí và chất nổ nguy hiểm đậu ngay bên ngoài nơi sắp diễn ra Hội nghị G20. Người chủ chiếc xe này đã bị bắt. Mạng lưới an ninh tiếp tục được thiết lập và thắt chặt quanh HuntsvilleToronto

Huyền Chi
.
.
.