Bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc

Thứ Bảy, 26/12/2015, 16:59
Đây là đánh giá được Tổng cục Thống kê ( Bộ KH&ĐT) đưa ra trong buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội năm 2015 tại Hà Nội ngày 26-12.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 của Việt Nam ước tính tăng 6,68% so với năm 2014. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Sau 3 năm liên tục xuất siêu, năm 2015, nhập siêu đã quay trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất của kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%).  Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu tăng thấp là chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm so với năm trước, đặc biệt như dầu thô, cao su, than đá, cà phê, rau quả, thủy sản..., cùng với lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Dẫn tới cán cân thương mại rơi vào tình trạng thâm hụt với mức nhập siêu ước tính 3,2 tỷ USD.

Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 49,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu - lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng gia tăng nhập siêu từ các thị trường lớn khác như Hàn Quốc với 18,7 tỷ USD, tăng 28%; ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 45%. Thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 đã nhập siêu hơn 300 triệu USD. Mỹ và EU vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25,5 tỷ USD và 20,6 tỷ USD trong năm 2015.

Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội năm 2015 tại Hà Nội ngày 26-12.

Đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, năm 2015 là năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015). Mặc dù trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn và kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm sau khủng hoảng nhưng nhìn chung, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội nước ta năm 2015 vẫn có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là GPD với mức tăng trưởng đạt 6,68% là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đây là tính hiệu cho thấy nền kinh tế nước ta đã phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng đáng mừng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015 vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Theo Tổng Cục Thống kê, khi các Hiệp định thương mại bắt đầu có hiệu lực, hội nhập sẽ làm tăng canh tranh gay gắt hơn. Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước dường như khả năng nắm bắt với xu hướng mở cửa rất hạn chế, nội tại đặt ra vấn đề cần xử lý. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là sức ép toàn diện với Việt Nam về hội nhập và cạnh tranh trên thị trường nội địa.

“Chúng ta sản xuất được sản phẩm gì thì các nước ASEAN cũng có những sản phẩm tương tự như vậy với giá cả và sức cạnh tranh tốt hơn. Chưa kể, ASEAN còn dẫn đến những kênh hội nhập khác như ASEAN + Trung Quốc tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc thâm nhập dễ dàng vào thị trường các nước ASEAN. Do đó, doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh nhiều, nếu không hàng hóa vào Việt Nam nhiều ta sẽ khó cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước.”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ Lê Thị Minh Thủy nhận định, trong năm 2016, khi một số mặt hàng dịch vụ như y tế, giáo dục, điện… được điều chỉnh tiến tới theo giá thị trường, tránh bù lỗ, cũng sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá, điều này không kích thích được bên sản xuất và sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm.

Lưu Hiệp
.
.
.