Bộ Tài chính giãn lộ trình tăng thuế VAT: Lợi ích người dân vẫn phải xếp hàng?
- Tăng thuế VAT và những tác động không mong muốn
- Từ 1/7, nhiều doanh nghiệp sẽ khai thuế VAT theo quý
- Đề xuất lùi thời điểm áp dụng thuế VAT để “cứu” DN dịch vụ số hóa xuất khẩu
Tháng 8-2017, Bộ Tài chính đã từng khiến dư luận “dậy sóng” khi đề xuất tăng thuế VAT từ 10% vọt lên 12-14%, thực hiện ngay từ 1-1-2019. Thời điểm đó, không chỉ người dân, các chuyên gia mà các bộ, ngành, địa phương cũng có ý kiến phản đối, yêu cầu Bộ Tài chính cân nhắc.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc tăng thuế suất thuế VAT thông thường sẽ dẫn đến mặc bằng giá của nguyên nhiên vật liệu, thiết bị máy móc, thực phẩm, nhân công,... tăng lên gây áp lực lớn đối với nền kinh tế.
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đánh giá việc tăng thuế VAT sẽ tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
Thuế VAT tăng sẽ đẩy mặt bằng giá cả tăng. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ gây tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP giảm 0,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,28%. Hay các địa phương như Quảng Bình, Hưng Yên… đều có kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất VAT 5% và 10% như hiện nay…
Trước “áp lực” của dư luận, Bô Tài chính đã giãn lộ trình tăng thuế ít hơn và dài hơn. Theo đó, thuế VAT hiện nay là 10% sẽ được tăng lên theo lộ trình 11% từ ngày 1-1-2019 và lên 12% từ ngày 1-1-2020. Như vậy, điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính chỉ giãn thời gian thực hiện, còn “ý chí” tăng thuế thì vẫn không thay đổi.
Dù ghi nhận việc “tiếp thu ý kiến” của Bộ Tài chính, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế, vì đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp.
Việc tăng thuế VAT nên là giải pháp cuối cùng, tránh gây tác động tiêu cực đến xã hội và cho rằng tốt nhất là không tăng, bởi với mức thu 10% như hiện nay, nguồn thu từ thuế suất này đã góp tới 27% ngân sách - đây là mức rất cao, vì nó trực tiếp đánh vào túi tiền của tất cả người dân. Trong bối cảnh thu nhập của người dân Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình thấp, thuế VAT tăng khiến giá hàng hóa các loại sẽ tăng lên sẽ làm gánh nặng của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Dù có giãn lộ trình tăng, thay vì tăng 2% một lúc thì mỗi năm tăng 1%, cộng lại vẫn là 2%. Phân tích cụ thể về tác động của việc tăng thuế VAT đối với người dân cũng như doanh nghiệp, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thuế VAT được ví như "vãi thóc cho cả đàn gà, gà to nhỏ, gà lớn bé" gì đều bị cả.
Thuế tăng làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên và tác động mạnh đến người nghèo, và như thế tác động ngược trở lại doanh nghiệp, không những khó tiêu thụ hàng hóa hơn mà còn làm giảm sức cạnh tranh.
Hơn nữa, một vấn đề đáng quan tâm, theo ông Nghĩa, nghịch lý ở chỗ 1 bên chúng ta đang nới lỏng tín dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đùng cái tăng thuế VAT làm cho cầu hàng hóa giảm đi. Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần xem lại và cần có 1 chính sách nhất quán.
Tăng thuế VAT, dĩ nhiên mục đích là để tăng thu ngân sách. Thế nhưng, theo một số liệu thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 113/174 nước được khảo sát về tham nhũng và tỷ lệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hiệu quả, chỉ chiếm 33%.
Có thể thấy rằng, chính tham nhũng khiến cho việc sử dụng ngân sách chưa hiệu quả, khiến nợ công tăng cao. Bởi vậy, theo chuyên gia Ngô Trí Long, chủ trương tái cơ cấu thu chi ngân sách là yêu cầu của Bộ Chính trị đề ra, nên Bộ Tài chính phải thực hiện. Tuy nhiên, ông Long cho rằng Bộ Tài chính đang “mải” cơ cấu thu quá mức.
“Khi ngân sách mất cân đối, điều quan trọng nhất là phải tái cơ cấu cả thu và chi. Thuế dù có tăng đến 10 lần, thu ngân sách có kiếm được nhiều hơn nữa, nhưng chi vẫn lãng phí, vô tội vạ thì việc tăng thu cũng vô nghĩa. Bởi vậy, quan trọng là phải tiết kiệm chi, chống lãng phí, chống tham nhũng, thất thoát - tiết kiệm chi tức là tăng thu. Bộ Tài chính thay vì “tận thu” thì hãy mở rộng các đối tượng chịu thuế, đừng nhăm nhăm tăng thuế - chọn cách làm dễ nhất để thu ngân sách như thế”, ông Long góp ý.
Thực ra, không phải chỉ mỗi dân hay các chuyên gia phản biện, mà ngay trong Hội nghị triển khai công tác năm của ngành Tài chính diễn ra từ tháng 1, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng thực tế là chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước; quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ.
Việc định hướng cơ chế về ngân sách Nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. “Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế”, Thủ tướng nhắc nhở. Có lẽ Bộ Tài chính cần xem xét lại quan điểm của mình!