Biến động tỷ giá, giá điện có tăng?

Thứ Bảy, 05/09/2015, 07:39
Chiều 4/9, Bộ Công thương đã tiến hành họp báo công bố tình hình 8 tháng, với nhiều thông tin nóng bỏng xung quanh tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ, biểu giá điện mới và đặc biệt là ảnh hưởng của tỷ giá lên giá điện. Bộ Công thương cho biết vẫn đang trong quá trình tính toán tác động và không phủ nhận khả năng giá điện có thể tăng.


Sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá, 3 tập đoàn lớn là Điện lực (EVN), Than - Khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) đồng loạt kêu lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, Phó Tổng giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn cho biết chênh lệch tỉ giá đã làm các nhà máy nhiệt điện do TKV đầu tư phát sinh khoản lỗ đến 1.200 tỉ đồng và kiến nghị Bộ Công thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỉ giá này vào giá thành điện. 1.200 tỷ đồng cũng là khoản lỗ mà EVN kêu.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn này đang thống kê số liệu để báo cáo Bộ Công thương. Ông Hải cũng cho rằng: “Nếu tất cả các đơn vị điện của TKV, PVN đưa hết lỗ tỉ giá vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của EVN”.

Người dân có thể sẽ phải trải qua một đợt biến động giá điện mới. Ảnh: Hoa Việt Cường.

Trước thông tin này và khả năng điện rập rình tăng giá khi tỷ giá biến động, trả lời câu hỏi của PV tại cuộc họp báo chiều 4/9, ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực không phủ nhận khả năng tăng giá điện do tỷ giá biến động, và cho biết hiện đang trong quá trình tính toán.

Cụ thể, theo ông Phúc: “Các DN có hợp đồng vay ngọai tệ đều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Chúng tôi có yêu cầu các đơn vị phát điện, trong đó có cả TKV tính toán tác động. Đây là việc làm thường xuyên, các đơn vị cũng báo cáo hàng quý, nhưng do lần này biến động mạnh nên báo cáo sớm hơn. Bộ Công Thương đã yêu cầu DN tính toán ảnh hưởng đến chi phí bán lẻ thế nào. Nếu chênh lệch lớn sẽ trao đổi với Bộ Tài chính để có đề xuất hướng giải quyết. Hiện nay, chúng tôi mới tiếp nhận báo cáo của các đơn vị, chưa có đề xuất cụ thể”.

Cập nhật về tiến độ xây dựng lại biểu giá điện, ông Phúc cho biết: Theo Luật, biểu giá điện là do Thủ tướng quyết định. Bộ đã yêu cầu EVN tính toán các phương án cải tiến cách tính giá bán lẻ điện, EVN đã xây dựng xong phương án báo cáo lãnh đạo Bộ. Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu EVN trong tháng 9 này tổ chức hội thảo tại 3 miền, lấy ý kiến rộng rãi của nhà khoa học, DN, sau đó tổng hợp lại và hoàn thiện đề án báo cáo trong tháng 10. Cục Điều tiết Điện lực sẽ tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng phê duyệt. Liên quan đến thông tin thiếu 5 tỷ kWh thuỷ điện, ông Phúc khẳng định sẽ không ảnh hưởng đến việc cấp điện cho nền kinh tế.

“Từ đầu năm chúng tôi đã lập 3 kịch bản cung ứng điện ở mức thấp, mức cơ sở và mức cao. Trong quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện đi theo phương án cơ sở là điện tiêu thụ tăng 10,5%, nhưng chúng tôi cũng đã tính đến phương án cao là tăng 11,2% và không bị động với tình huống này. Trong những tháng căng thẳng nhất vì khô hạn, nắng nóng, đợt mưa lũ, những tháng mùa khô… ta cũng đã vượt qua. Việc thiếu hụt 5 tỷ kWh thuỷ điện cũng mới là cập nhất đến cuối tháng 8. Từ nay đến cuối năm tình hình thuỷ văn có thể sẽ khác. Nhưng nếu thiếu, chúng tôi sẽ có phương án huy động tăng nhiệt điện lên, sẽ đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế”, ông Phúc khẳng định.

Liên quan đến ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ mất giá đến xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Không chỉ Trung Quốc, mà từ đầu năm đến nay, đồng tiền một số nước khác đã giảm giá. Tuy vậy, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, giảm giá đồng tiền một cách có chủ đích như vậy chắc chắn có tác động đến kinh tế thế giới.

Riêng với Việt Nam, dệt may, da giày có cơ hội để tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn, sản phẩm cạnh tranh hơn, tạo ra lợi thế cho xuất khẩu. Ngược lại, nông sản nói chung sẽ gặp khó khăn, nhưng ông Hải cũng cho rằng chưa phải vấn đề lớn do lượng xuất chưa nhiều và chủ yếu là qua đường tiểu ngạch. Chỉ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn như sắn, cao su, về lâu dài có khả năng bị ảnh hưởng

Về kết quả xuất nhập khẩu, tuy những tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đã duy trì được mức tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9% cùng kỳ 2014, đóng góp những tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý về sự sụt giảm xuất khẩu của khối DN trong nước (giảm 2%), trong khi khối FDI (kể cả dầu thô) xuất khẩu tới hơn 74 tỷ USD, tăng 14%. Riêng dầu thô, do ảnh hưởng nghiêm trọng của việc sụt giảm giá, nên tuy chỉ giảm 0,6% về lượng xuất khẩu, nhưng kim ngạch giảm đến 48,7%, do giá giảm đến 48,4%.

Vũ Hân
.
.
.