Ồ ạt xây các khu công nghiệp để... bỏ hoang

Thứ Sáu, 29/07/2016, 08:45
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vùng ĐBSCL hiện nay quy hoạch quá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) nhưng chưa lấp đầy hết, gây lãng phí quỹ đất. Trong khi đó, một số nhà máy trong KCN, KCX lén lút xả thải ra sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là nguồn nước ở sông Tiền và sông Hậu.


KCN chờ... nhà đầu tư

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tính đến tháng 6-2016, toàn vùng ĐBSCL có 78 KCN, KCX với tổng diện tích quy hoạch là 14.787,6ha. Nhưng cho đến nay, diện tích lắp đầy mới chỉ có 3.688,47ha, còn đến hơn 11.099 ha đất đang bị bỏ trống. Hiện những KCN, KCX được quy hoạch đều nằm sát sông Tiền và sông Hậu, lấy đi diện tích đất trồng cây ăn trái và trồng lúa màu mỡ.

Chế biến cá tại một nhà máy thuộc KCN Trà Nóc 1.

Đáng chú ý, có nhiều KCN, KCX chưa thu hút được các dự án đầu tư. Cụ thể như: KCN Xuân Tô (An Giang) được quy hoạch từ năm 2004 với tổng diện tích là 57,4ha; tại TP Cần Thơ quy hoạch KCN Hưng Phú 1-cụm A năm 2015 với 121 ha và KCN Hưng Phú 2B năm 2009 với 67ha; Long An quy hoạch đến 43 KCN nhưng có đến 15 KCN còn bỏ trống, chưa thu hút được dự án…

Theo quy hoạch, TP Cần Thơ có 8 KCN với tổng diện tích 2.267ha nhưng mới cho thuê được 567,2ha, với khoảng 220 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD. Trong đó chỉ có 21 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 198,4 triệu USD. Tỉ lệ lắp đầy của nhiều KCN chỉ đạt 12-13% diện tích. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ, giá thuê đất trong KCN cao, bình quân không dưới 80USD/m2. Trong khi những tỉnh sát bên TP Cần Thơ như Vĩnh Long, An Giang, giá đất cho thuê chỉ khoảng 40USD/m2 đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư cho thành phố.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng, Cần Thơ có hệ thống đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không được đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ và khai thác chưa đúng mức. Doanh nghiệp nước ngoài muốn đến địa phương đầu tư nhưng chưa có đường bay từ quốc gia họ đến Cần Thơ. Hàng hoá chở từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh phải mất thêm chi phí 10 USD/tấn… Với những lý do trên, doanh nghiệp cũng đắn đo khi đầu tư vào Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ đánh giá, với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL mà có đến 78 KCN, KCX thì mật độ khá dày. Việc chuyển đổi lấy đất nông nghiệp làm KCN là do cách tính đến lợi ích của từng địa phương. Đến nay chưa có đánh giá nào nói rằng việc chuyển đổi này có tốt hay không. Tuy nhiên, điều lo ngại là nếu quy hoạch quá nhiều KCN nhưng tỷ lệ lắp đầy chưa nhiều gây lãng phí quỹ đất cho địa phương. “Các KCN quy hoạch không đúng vị trí nhưng xây dựng cơ sở hạ tầng rồi không thu hút được dự án nào, thay vì vậy lấy diện tích đó làm việc khác hiệu quả hơn”, ông Lam nói.

Nhiều khu đất vàng nhưng bỏ hoang khi hình thành khu công nghiệp. Ảnh: laodong.vn

KCN nằm xa bờ sông

Hiện dư luận đang quan tâm đến Nhà máy giấy Lee & Man (Hồng Kông - Trung Quốc) đặt tại tỉnh Hậu Giang, nếu đi vào vận hành sẽ đầu độc sông Hậu. Trong khi đó, gần 10 năm nay, những nhà máy trong các KCN, KCX tại ĐBSCL cũng lén lút xả thải, làm ô nhiễm sông rạch.

Vấn đề đặt ra hiện nay, các địa phương có cần phải bất chấp xây dựng KCN bằng mọi giá để thu hút đầu tư. Trong khi đó, nhiều diện tích vẫn chưa lấp đầy, thậm chí có KCN quy hoạch treo nhiều năm trời. Nhiều nhà máy trong KCN trực tiếp xả thải ra sông, rạch gây ô nhiễm trầm trọng làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân.

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá thì những đất nông nghiệp nào không hiệu quả cần chuyển sang làm công nghiệp hoặc đất đô thị. Hiện nay, diện tích lúa dư hơn nhiều so với hiệu quả mà nông dân nhận được nên cần giảm nhanh diện tích lúa. Theo nhiều nhà khoa học, lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp mỗi năm tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước, nên hiện nay ý kiến giảm diện tích lúa đang quay trở lại.

Nhiều KCN đầu tư hàng ngàn tỷ nhưng không có DN đến đầu tư. Ảnh minh họa của Kiến thức

Phần lớn vị trí các KCN trong vùng là nằm ven sông Tiền, sông Hậu, là vùng đất trù phú về nông nghiệp. Thậm chí ở những nước tiên tiến trên thế giới họ cũng đặt KCN ven sông để tận dụng lợi thế đường thuỷ trong vận chuyển hàng hoá.

“Những tuyến đường mới được quy hoạch hiện nay ở ĐBSCL đều nằm dọc sông, nên KCN cũng đặt cạnh đó để thuận tiện trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, qua khảo sát, một số KCN tại Long An và Vĩnh Long nằm xa bờ sông. Vì vậy, có thể quy hoạch KCN nằm xa những dòng sông để tránh ô nhiễm”, ông Dũng nói.

Như Anh
.
.
.