Chỉ trong 9 tháng, kinh tế Vĩnh Phúc vượt nhiều mục tiêu lớn cả năm 2019

Thứ Hai, 07/10/2019, 16:16
Hơn 8,6% là kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) rất ấn tượng của Vĩnh Phúc trong quý 3/2019, với giá trị đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng (so sánh năm 2010). Mức tăng này hiện đang vượt 0,1% so với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.


Tăng trưởng tích cực

Bám sát kế hoạch và nhiệm vụ tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế, dự toán ngân sách và cải thiện môi trường đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Từ đó, tình hình kinh tế của tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 62.151 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018. Ttong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,8%, khu vực dịch vụ tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc trong quý III-2019 tăng trưởng hơn 13%. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay, cao hơn gần 1,5% so với quý 1 và gần 3% so với quý 2. Đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh hơn 6 điểm phần trăm, với giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng đạt gần 33 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh là hiệu ứng tích cực từ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của trung ương và giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, cũng như việc hoàn thiện hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh.

Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục dẫn đầu, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất linh kiện điện tử cũng là ngành duy trì xu hướng tăng trưởng đều và cao (quý 1 gần 40%; quý 2 hơn 45%).

Tuy nhiên, trong 24 ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, vẫn có 6 ngành sản xuất giảm.

Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 5,1%, do phải cạnh tranh khốc liệt với xe nhập khẩu, bởi xe nhập khẩu ngày càng có nguồn cung dồi dào, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và giá thành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đang có xu hướng giảm sản xuất trong nước, tăng nhập khẩu, khiến sản lượng sụt giảm.

Công tác thu ngân sách nhà nước được tăng cường. Ngành Thuế đã tổ chức chỉ đạo thu quyết liệt, đôn đốc quyết toán các khoản thu ngân sách nhà nước như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu từ đất, thu phí, lệ phí, đồng thời, hỗ trợ giải đáp chính sách, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.

Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 24-9-2019 đạt 24.762 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 21.607 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là khu vực đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh với 16.190 tỷ đồng, chiếm 65,38% tổng số thu ngân sách trên địa bàn.

9 tháng đầu năm, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và của tỉnh, ưu tiên tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Hiện lãi suất huy động trên địa bàn phổ biến ở mức 4,5-7,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên; lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-9%/năm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-10,5%/năm.

Vốn huy động trên địa bàn tiếp tục duy trì ở mức ổn định và tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2018. Đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4%; tổng dư nợ ước đạt 72.850 tỷ đồng, tăng 8,31% so với cuối năm 2018.

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp

Trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài. hướng vào các thị trường tiềm năng và các đối tác tin cậy; quan tâm làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ là những hoạt động tỉnh tăng cường thực hiện.

Ngành công nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là khu vực.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, đề xuất để ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp từng bước vượt khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Các dự án đang hoạt động liên tục tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Các dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư và đưa vào vận hành. Lũy kế đến hết tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 747 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký 82.342,41 tỷ đồng và 373 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,9 tỷ USD. Qua đó cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm và biết đến Vĩnh Phúc là một vùng đất thân thiện, giàu tiềm năng và là điểm đến hấp dẫn, thành công của các dự án sản xuất kinh doanh.

Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đầu tư, cải thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Cải cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Duy trì gặp gỡ các doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hết quý 3-2019, toàn tỉnh đã có gần 10,2 nghìn doanh nghiệp, vượt gần 200 doanh nghiệp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra (mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 10 nghìn doanh nghiệp).

Đến hết quý III-2019, với những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng kinh tế bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc mang những gam màu sáng và xu hướng tăng trưởng vẫn là chủ đạo. 3/4 mục tiêu về kinh tế là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút đầu tư đang duy trì đạt và vượt mục tiêu cả năm.

Riêng thu ngân sách đã đạt gần 90% dự toán năm, với con số gần 25 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các chỉ tiêu về xã hội, môi trường như: Tỷ lệ hộ nghèo; giải quyết việc làm; số lượng người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh… cũng đạt nhiều kết quả khá.

Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp thực hiện nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch hành động của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Cơ sở hạ tầng tại nhiều cụm, khu công nghiệp tiếp tục được tập trung hoàn thiện. UBND tỉnh duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu tiếp tục triển khai tốt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, thì gần như chắc chắn các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2019 sẽ đạt và vượt cao so với kế hoạch đề ra; tạo lực bẩy vững chắc để hoàn thành các mục tiêu phát triển cho cả giai đoạn 2015-2020.

Trân Trân
.
.
.