Vĩnh Phúc tập trung phát triển cây nông nghiệp chủ lực

Thứ Tư, 21/08/2019, 12:06
Với những thuận lợi cung với sự ưu ái về tự nhiên, Vĩnh Phúc đã tập trung phát triển triển cây nông nghiệp mà chủ lực là rau su su. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã kết hợp với phát triển kinh tế Hợp tác xã (HTX), tiêu biểu nhất trong số đó là HTX rau an toàn Thanh Hà.


Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ nổi tiếng là một trong những điểm du lịch hút khách của miền Bắc mà còn được biết đến với nghề trồng rau su su từ lâu.  

Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thuận lợi cho việc phát triển cây su su ở những vùng chân núi, sườn đồi. Hơn nữa cây su su lại phù hợp với chất đất, khí hậu trên đỉnh núi Tam Ðảo, nên sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. 

Toàn huyện hiện nay có trên 130 ha trồng su su, trong đó tập trung nhiều nhất ở hai vùng sản xuất rau su su chuyên canh là thị trấn Tam Đảo núi và vùng ven chân núi Tam Đảo.

Thoát nghèo nhờ cây rau su su

Phóng viên có dịp đến thăm thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn, vùng chuyên canh sản xuất rau su su lớn nhất của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Những ngày này, bà con nông dân nơi đây đang tất bật bước vào thời kỳ thu hoạch rau su su để xuất đi các tỉnh lân cận và thậm chí xuất đi nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Phát – Trưởng thôn Làng Hà cho biết, cả thôn có đến gần 80% là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trước kia, vùng đất đồi núi, bà con chỉ biết canh tác cây lúa, đời sống khó khăn. Từ khi cây su su được phát triển ở thôn Làng Hà từ năm 1999 đến nay, toàn bộ dân trong thôn đều trồng su su với tổng diện tích trên 50 ha.

Ông Phát cũng là một trong những hộ tiên phong trong việc trồng cây su su ở vùng đất Hồ Sơn này, theo ông su su là loại cây dễ trồng, chi phí về giống và phân bón cũng vừa phải, giống cây này lại ít sâu bệnh, chỉ cần chăm bón tốt sẽ cho thu hoạch sản lượng rau cao. 

Hơn nữa thời gian thu hoạch cây su su rất lâu, từ tháng 10 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau. Nhờ áp dụng sản xuất su su an toàn theo VietGAP, năng suất, chất lượng ngọn, bảo đảm hơn trước. Nhiều năm nay, su su đã trở thành cây giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân trong thôn.

Sản phẩm rau su su an toàn của HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

“Điều mà người trồng su su ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đang lo lắng đầu ra cho ngọn rau su su còn bếp bênh không ổn định và phụ thuộc nhiều vào thương lái. Giá rau su su cũng thất thường, lên xuống từng ngày, tùy theo nhu cầu của thị trường. Có những thời điểm giá lên cao nhất từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, có khi giá rau cũng hạ xuống 1.500 - 2.000 đồng/kg”, ông Phát tâm sự.

Gia đình chị Trần Thị Hằng (thôn Làng Hà - Hồ Sơn - Tam Đảo - Vĩnh Phúc) hiện đang trồng hơn 5 sào su su cho biết: "Thời tiết năm nay thuận lợi nên cây su su càng phát triển nhanh, rau ngon ngọt và mềm. Cứ 2 hôm cây rau lại cho thu hoạch 1 lần".

Theo chị Hằng, để kịp cho những chuyến rau phục vụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh, bà con nông dân ở Hồ Sơn phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng, mang theo đèn pin để thu hoạch rau su su bán cho các mối buôn. Cây rau su su phát triển phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, khi thời tiết ấm, mỗi sào su su cho thu hoạch từ 35 - 40kg/sào, còn khi thời tiết lạnh thì cho thu hoạch khoảng 10 - 15kg/sào. Trung bình một sào rau su su cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng.

Để bảo vệ và xây dựng thành công thương hiệu su su, đồng thời giúp người trồng rau su su có thu nhập khá hơn và tin tưởng vào giá trị kinh tế từ giống cây này đem lại, cuối năm 2016, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Thanh Hà ra đời.

Ông Nhâm Đức Cải, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Thanh Hà cho biết, hợp tác xã thành lập với 24 thành viên chuyên canh trồng cây su su trên diện tích gần 10 ha. Tham gia vào hợp tác xã, người trồng rau su su ở Hồ Sơn được hỗ trợ cung ứng về vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vi sinh nhằm đảm bảo an toàn ngay từ khâu đầu và được hợp tác xã hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hoạt động hợp tác xã, tất cả các thành viên đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, làm đất đến chăm sóc và thu hái sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sản phẩm đã được đăng ký mã vạch và có mặt tại 2 siêu thị lớn là Big C và Coopmart, các chợ đầu mối ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng,…), thậm chí được các công ty thu mua xuất sang Trung Quốc.

Thành phố Vĩnh Yên, nơi đi đầu trong phát triển kinh tế Hợp tác xã

Năm 2012, UBND thành phố Vĩnh Yên  triển khai thực hiện luật Hợp tác xã (HTX) với sự chỉ đạo sát sao của các ban, ngành chức năng thành phố, phối hợp cùng UBND các xã, phường tuyên truyền rộng rãi về lợi ích và các chính sách hỗ trợ người dân trong việc thành lập mới các HTX.

Nhờ sự quan tâm của UBND thành phố Vĩnh Yên, đến nay toàn thành phố đã thành lập được 90 HTX, trong đó có 25 HTX đang kê khai, nộp thuế; 28 HTX ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động báo cáo cơ quan thuế.

Mục tiêu chung của tỉnh Vĩnh Phúc đề ra đến năm 2020 toàn tỉnh có 265 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. UBND thành phố Vĩnh Yên tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển HTX theo Luật HTX.

Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hợp tác, HTX hiện có. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX; phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lồng ghép nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trong xây dựng, hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nội dung thứ hai Khuyến khích các HTX tham gia hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường ở trong và ngoài tỉnh. Nêu cao tính năng động, chủ động hội nhập thị trường, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp và có kế hoạch cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ, khuyến khích theo lĩnh vực, thiết thực trong tác động phát triển HTX như: đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, điện, nước, giao thông; đơn giản các thủ tục hành chính; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn...

Bên cạnh những thành công đã đạt được như trên, mô hình HTX vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như việc kinh doanh vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn, thiếu phương án kế hoạch lâu dài. Tỷ lệ áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, kinh doanh còn thấp. Sản xuất kinh doanh không ổn định, bị động, thiếu sự liên kết chặt chẽ lâu dài, thiếu các sản phẩm mang tính mũi nhọn có giá trị hàng hóa cao, do vậy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch 10416/KH-UBND thực hiện thí điểm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP Vĩnh Phúc). Tỉnh Vĩnh Phúc phát triển và tiêu chuẩn hóa 13 sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hiện có của tỉnh, trong đó có sản phẩm rau su su của Tam Đảo. Đây là cơ hội cho sản phẩm su su Tam Đảo thay đổi hướng phát triển, hướng tới mục tiêu là sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao của tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung mở rộng diện tích trồng su su an toàn. Cùng với đó, xây dựng mối liên kết giữa 4 nhà gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hướng tới phát triển su su Tam Đảo thực sự trở thành một loại nông sản thương hiệu thế mạnh của địa phương, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trân Trân
.
.
.