80 năm làng hoa Hà Nội giữa Đà Lạt

Thứ Hai, 27/11/2017, 10:40
Đầu thế kỷ XX, vùng Hà Đông - Hà Nội ngày nay đã tổ chức một cuộc di dân rất sớm vào Đà Lạt. Nhóm người tiên phong vào vùng đất mới được tuyển chọn từ những người chuyên trồng rau, hoa lành nghề tại địa phương. Và ấp Hà Đông trở thành làng hoa tại Đà Lạt.


Cuộc di dân, di hoa

Theo đồ án quy hoạch xây dựng của người Pháp, Đà Lạt sẽ được mở rộng và xây dựng bài bản, trở thành nơi nghỉ hè, sinh sống lý tưởng của quan chức người Pháp và những gia đình giàu có người Việt. Sống giữa một “thiên đường” với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời để sản xuất rau hoa, nhưng bấy giờ Đà Lạt lại thiếu nhân công lao động trầm trọng vì dân số bản địa rất ít. Những người địa phương có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng rau, hoa cũng rất khiêm tốn.

Cuối những năm 1930, từ Hà Đông (Hà Nội), nhiều người đã tổ chức di dân vào lập ấp tại Đà Lạt để trồng rau, hoa nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Đà Lạt và phát huy được thế mạnh nông nghiệp của vùng đất này.

Người dân ấp Hà Đông vẫn giữ nghề trồng hoa truyền thống.

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Ban quản lý Nhà văn hóa làng hoa Hà Đông, đầu năm 1938, ông Lê Văn Định, Thương tá Canh nông Hà Đông đã tuyển chọn được 35 người khỏe mạnh, chủ yếu là nam giới, sau đó hướng dẫn thêm về cách trồng rau, hoa để chuẩn bị cho một cuộc di cư vào vùng đất mới.

Chiều 31-5-1938, đoàn người “Nam tiến” vào tới Đà Lạt. Trên vùng đất khoảng vài hécta, họ được tổ chức ở theo từng nhóm trên cơ sở bắt thăm. Người làng Quảng Bá và Nghi Tàm ở căn nhà số 1 (gần đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Lạt ngày nay), người làng Ngọc Hà và Tây Tựu ở căn nhà số 2 (sát đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay), người làng Xuân Tảo và Vạn Phúc ở căn nhà số 3 đối diện với căn nhà số 2. Ba căn nhà này ở khá gần nhau theo một hình tam giác trông xuống thung lũng có suối nước chảy qua rộng gần 20ha.

Sau một thời gian sinh sống, sản xuất, nhiều người viết thư về động viên vợ con, họ hàng và nhờ thu xếp, tạo điều kiện để những người thân vào đoàn tụ cùng làm ăn. Những giống rau, hoa đầu tiên được những người di cư từ miền Bắc xa xôi vào Đà Lạt đem theo có điều kiện sinh sống trên vùng đất mới.

Với khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, các loại rau, hoa nhanh chóng “kết duyên” và đem đến cho người trồng những thành quả lao động đầu tiên. “Đất lành chim đậu”, những năm sau đó, những gia đình ở Hà Đông, Hà Nội nối tiếp nhau vào Đà Lạt định cư, trồng rau, hoa, lập nên ấp Hà Đông vào năm 1942.

Làng hoa 80 năm tuổi

Đà Lạt ngày càng phát triển, binh lính người Pháp đều đổ lên Đà Lạt nghỉ ngơi, du lịch, biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng. Không chỉ người Pháp, giới nhà giàu người Việt cũng tìm lên Đà Lạt mua đất xây dựng biệt thự. Kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu về tinh thần ngày càng được nâng cao, chơi hoa trở thành nét văn hóa, lối sống quý phái của giới thượng lưu Đà Lạt lúc bấy giờ.

Làng hoa Hà Đông trở thành điểm cung cấp hoa cho toàn thành phố với diện tích không ngừng tăng lên, từ vài hécta ban đầu đã tăng lên trên 100ha. Không những thế, những chuyến hoa đầu tiên đã cũng kịp thời vượt núi rừng cách trở, bom đạn chiến tranh, mưa rơi, gió rừng về với Sài Gòn. Hoa làng Hà Đông giữa đô thị trẻ Đà Lạt từng bước vươn xa và đạt giá trị kinh tế ngày càng cao. Cuộc sống của người dân trồng hoa nhanh chóng ổn định, nhiều gia đình đã mua sắm, trao đổi được những vật dụng có giá trị lớn phục vụ đời sống, sản xuất.

Về sau, những cuộc di dân lớn từ tỉnh Hà Nam, Thừa Thiên – Huế vào Đà Lạt cũng lập nên những làng hoa nổi tiếng là Vạn Thành và Thái Phiên. Với sự đóng góp tích cực của những con người lao động cần mẫn, sáng tạo, Đà Lạt nhanh chóng trở thành thủ phủ của ngành sản xuất hoa tươi. Riêng ở làng hoa Hà Đông, những người trồng hoa nổi tiếng đã được chính quyền ghi nhận, tôn vinh, như cụ Ngô Văn Ất được thưởng Long Bội Tinh, cụ Nguyễn Hữu Bái được tặng bằng danh dự và cùng với 13 cụ khác được triều đình Huế đặc cách ban thưởng sắc phong “Tòng Cửu phẩm văn giai”.

Đến nay, làng hoa Hà Đông đã tròn 80 năm tuổi, những thế hệ di cư đầu tiên đặt nền móng cho những bông hoa trên miền đất lạnh hầu hết đã không còn nhưng con, cháu họ vẫn tiếp tục giữ vững nghề trồng hoa truyền thống.

Khác thời cha ông, thế hệ sản xuất hoa đương đại đang áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất theo quy trình khép kín, tự động hóa cùng với nhiều giống hoa mới lạ được tuyển chọn cho phù hợp với thị hiếu, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu, khẳng định và củng cố vị thế hoa Đà Lạt. Thu nhập của người trồng hoa hằng năm không ngừng được tăng lên. Doanh thu 1ha đất trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở ấp Hà Đông mỗi năm lên tới hàng tỉ đồng.

Dù cuộc di dân, di hoa đã cách đây 80 năm nhưng ngày nay đặt chân tới làng hoa Hà Đông giữa lòng Đà Lạt, người ta vẫn tìm thấy những nét rất riêng, rất Hà Nội, đó là những đền thờ, đình miếu, hay những căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Bắc Bộ. Lối sống, sinh hoạt và phong cách của người Hà Nội vẫn còn in rõ nét.

Khắc Lịch
.
.
.