Gắn trách nhiệm của nhà mạng với việc giải quyết vấn nạn SIM rác

Thứ Tư, 10/04/2024, 08:10

Nhiều ý kiến cho rằng, việc gắn trách nhiệm của nhà mạng, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu đối với vấn đề SIM rác là giải pháp phù hợp bởi ngoài vai trò quản lý thì nhà mạng còn là đối tượng được hưởng lợi từ SIM rác.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “xử lý triệt để vấn đề SIM rác. Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về SIM rác”, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành thông báo quán triệt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.

Gắn trách nhiệm của nhà mạng với việc giải quyết vấn nạn SIM rác -0
SIM rác thường là nguồn phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác lớn. Ảnh minh họa

Sau gần 1 tháng thực hiện “tối hậu thư” của Thủ tướng Chính phủ, việc rà soát và xử lý SIM rác đã bước đầu có những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, trên hệ thống có khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc diện thuê bao có từ 4 đến 9 SIM. Để chấn chỉnh tình trạng trên, từ tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã yêu cầu nhà mạng rà soát những người đứng tên từ 4 SIM trở lên để đảm bảo SIM được chính chủ.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, ngoài triển khai những biện pháp đồng bộ để hạn chế SIM rác, cơ quan quản lý còn phát triển công cụ mới giúp tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM.

Theo đó, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, thay đổi cú pháp tra cứu từ TTTB thành TTTB + số giấy tờ gửi 1414 rà soát, xác minh, làm rõ SIM mình đang sử dụng. Đồng thời, các nhà mạng trong bản tin trả về phải gửi kèm danh sách số thuê bao mà số giấy tờ đang đứng tên đăng ký sử dụng.

Hiện, các nhà mạng đã xây dựng quy trình tiếp nhận, xác minh xử lý phản ánh của người sử dụng khi phát hiện mình đứng tên SIM lạ qua tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng… Trong thời gian 1 ngày, kể từ thời điểm tiếp nhận phản ánh chính thức của người dùng về số thuê bao mà bản thân không sử dụng (sau khi tra cứu thông tin thuê bao qua 1414), nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao bị phản ánh không còn trong danh sách số thuê bao của người dùng.

Cũng theo đại diện Cục Viễn thông, sau một thời gian triển khai, báo cáo của các nhà mạng cho thấy đã có 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao. Nhờ việc kiểm tra thông tin thuê bao, đã có khoảng 1.200 khách hàng phản ánh tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để được giải đáp vì sao mình có nhiều SIM dù không đăng ký hay sử dụng. Các nhà mạng cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để khoá những SIM mà khách hàng không sở hữu, không đúng tên trên giấy tờ. Đến nay đã có khoảng 200 thuê bao không chính chủ đã bị khóa sau khi khách hàng phản ánh đến nhà mạng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để tình trạng SIM rác, ngày 15/3, Bộ TT&TT đã ban hành thông báo về việc quán triệt trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao. Trong thông báo, Bộ TT& TT yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai, xử lý xong tất cả các SIM tồn kênh chuyển về SIM không có thông tin thuê bao, đảm bảo SIM thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc gắn trách nhiệm của nhà mạng, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu đối với vấn đề SIM rác là giải pháp phù hợp bởi ngoài vai trò quản lý thì nhà mạng còn là đối tượng được hưởng lợi từ SIM rác.

Thực tế cho thấy, các SIM rác thường là nguồn phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác lớn, có những SIM rác thực hiện gửi hàng trăm tin nhắn, hàng chục cuộc gọi rác mỗi ngày. Và điều này mang về doanh thu cho nhà mạng nên việc xử lý dứt điểm SIM rác trước tiên phải thuộc về nhà mạng.

Tuy vậy, do SIM thuê bao hiện nay chỉ là một trong những phương thức được các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác nên để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để, rất cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Hùng Quân
.
.
.