Việt Nam nằm trong số ít quốc gia nội địa hóa 91% các dòng sản phẩm an toàn, an ninh mạng
- Đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số quốc gia
- Nâng cao năng lực ứng phó rủi ro an ninh mạng
- Nội địa hóa các dòng sản phẩm an toàn, an ninh mạng quan trọng
Tự chủ công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn an ninh mạng là giải pháp căn cơ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Trên quan điểm đó, từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tập trung thực hiện 4 giải pháp lớn để phát triển Hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng “Make in Việt Nam” bao gồm thúc đẩy hoạt động của Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; xây dựng, ban hành các tiêu chí kỹ thuật, tổ chức đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng; thúc đẩy nhu cầu thị trường an toàn, an ninh mạng Việt Nam; truyền thông, giới thiệu sản phẩm cho hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ cơ quan Nhà nước. |
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin (ATTT), hiện tại, tỷ lệ chủng loại sản phẩm ATTT nội địa đã đạt 91%, tăng gần 1,7 lần so với năm 2019 và tăng hơn 18 lần so với năm 2015.
Cùng với đó, tỷ lệ doanh thu sản phẩm ATTT nội địa so với nước ngoài đã tăng từ 18% năm 2015 lên 39% vào năm 2019 và hiện nay đã đạt 45%. Tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam khẳng định: Năng lực bảo đảm ATTT của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái ATTT do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Hiện các sản phẩm, dịch vụ giải pháp “Make in Vietnam” đã sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia.
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc Việt Nam năm nay là tuyên bố đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm An toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước có thể xem là một sự kiện nổi bật, đáng ghi nhận trong lĩnh vực này. Đây thực sự là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, cộng đồng các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng nói riêng vì hiện chưa có nhiều nước trên thế giới làm được điều này. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng có những cách tiếp cận mới cả về công nghệ và marketing, để sớm phổ cập sản phẩm dịch vụ tới mọi người và mọi tổ chức, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết: Để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh nội địa lên đạt 100% trong năm 2021, Cục ATTT quyết tâm đưa giá trị thị trường an toàn, an ninh mạng năm 2021 tăng khoảng 30% so với năm 2020.
Cùng với đó, tham mưu cho Bộ TT&TT tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách như xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp an toàn, an ninh mạng; xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định về mua sắm máy móc, thiết bị bảo đảm an toàn thông tin để thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước.
Tập trung xây dựng Hệ thống đánh giá, kiểm định ATTT theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đánh giá khoảng 300-500 phiên bản sản phẩm ATTT trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa.