Ứng dụng trí tuệ thông minh phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ, giảm thiểu TNGT

Chủ Nhật, 13/09/2020, 18:50
2 sinh viên của Trường ĐHQG TP.HCM đã đề xuất xây dựng hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính khả thi cao.

Tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, gây thiệt hại cả về người và của cải. Trong đó, nguyên nhân từ việc vi phạm vượt đèn đỏ chiếm một số lượng không nhỏ.

Từ thực tế này, góp phần hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư, 2 bạn sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP.HCM) đã đề xuất xây dựng hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên dữ liệu thu được từ qua camera giám sát mang tính khả thi cao.

Đồ họa mô phỏng hệ thống dùng AI phát hiện vi phạm vượt đèn tín hiệu giao thông.

“Hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI trên dữ liệu thu được từ camera giám sát” là ý tưởng của 2 sinh viên Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí (chuyên nghành Khoa học máy tính, Trường Đai học Công nghệ thông tin - ĐHQG TP.HCM). Đề tài vừa đoạt giải ba trong cuộc thi “Ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông” do Bộ KH-CN phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Trí tuệ nhân tạo đang ngày được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực đời sống, mang đến rất nhiều lợi ích mà đôi khi con người khó làm được, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Là những người trẻ, đầy hoài bão khoa học, nhóm của Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí mong muốn sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết được tình trạng vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư vẫn diễn ra hằng ngày.

“Dù cảnh sát giao thông đã ra sức kiểm tra, xử phạt, một số tuyến đường có gắn camera để dễ xử lý vi phạm, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Chúng tôi hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp khắc phục được vấn đề này” - Xuân Trí chia sẻ.

Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí tại vòng chung kết Cuộc thi “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông”. Ảnh: NVCC.

Sau khi phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhóm cần dữ liệu hình ảnh từ camera quan sát của thành phố. Vì thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, 2 bạn đã đề nghị sự hỗ trợ của thầy cô trong trường, để đưa trí tuệ nhân tạo của mình lên dữ liệu hình ảnh thật là một đoạn phim demo. Với sự giúp đỡ của thầy giáo Đỗ Văn Tiến, giảng viên Khoa Khoa học máy tính, Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí đã tìm tòi, nghiên cứu qua mạng, qua sách báo để hoàn thiện dự án với hướng đi riêng.

Sau quá trình nghiên cứu, “Hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI trên dữ liệu thu được từ camera giám sát” của Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí đã hoàn thành. Kết quả thử nghiệm khá ấn tượng khi xác định được các loại phương tiện trong hình ảnh và số lượng cụ thể. Đếm phương tiện giao thông có dữ liệu đầu vào là hình ảnh/video, đầu ra là số lượng phương tiện xuất hiện được giới hạn bằng một vùng quan tâm cho trước.

Bên cạnh ứng dụng để xử phạt hành chính người vi phạm giao thông như các hệ thống hiện có, nhóm nghiên cứu Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí còn đề xuất truyền các hình ảnh vi phạm giao thông tới các màn hình led được đặt ở các nút giao thông, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người.

Các bạn trẻ còn cho biết, nếu có cơ hội nâng cấp sản phẩm, sẽ phát triển thêm để các thông tin vi phạm có thể gửi về người vi phạm qua điện thoại. Cùng với đó là tìm thêm dữ liệu để cải thiện hệ thống, phục vụ xác định đối tượng vi phạm giao thông một cách hiệu quả nhất.

Theo đánh giá của thầy Đỗ Văn Tiến, trong thực tế đã có nhiều dự án tương tự, sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết người vượt đèn đỏ. Nhưng dự án của Trí và Thuyên hướng đến nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là một hướng đi mới. Nếu ứng dụng vào thực tế sẽ giúp mọi người nhận thức sự quan trọng của việc tuân thủ luật, từ đó giảm thiểu số vụ tai nạn. Với những gì đã có, dự án có tiềm năng lớn khi áp dụng vào thực tế do hệ thống camera an ninh có sẵn ở khắp đường phố.

Dự án vẫn đang được phát triển thêm với nhiều tính năng. Trước mắt, dự án mong muốn được triển khai tại TP.HCM, để tiến tới sẽ áp dụng lên cả nước.

Mai Anh
.
.
.