Người dùng nghi ngờ chính sách mới của Facebook

Thứ Tư, 02/09/2020, 17:19
Những điều khoản mới trong quy định vừa được Facebook công bố mới đây dù chưa chính thức áp dụng nhưng đã gây ra sự phản đối, nghi ngờ từ phía người dùng.

Thông tin đăng tải trên iMore mới đây cho biết, bắt đầu từ ngày 1/10, Facebook sẽ có những thay đổi về các quy định, điều khoản sử dụng dành cho người dùng của mạng xã hội này. Tuy nhiên, ngay sau thông báo trên, Facebook lại khiến người dùng nổi giận, phản đối chính sách của ông lớn công nghệ này,

Cụ thể, trong số những chính sách được Facebook dự định cập nhật vào tháng 10 tới đây có điều khoản cho phép mạng xã hội lớn nhất thế giới được quyền xóa bỏ các nội dung: "Chúng tôi cũng có thể xóa hoặc chặn quyền truy cập tới nội dung, dịch vụ hoặc thông tin của bạn nếu chúng tôi xác định điều đó giúp Facebook tránh được các rắc rối liên quan đến pháp luật”.

Chính sách mới của Facebook bị người dùng phản đối.

Chính sách mới này của Facebok lập tức gây ra phản ứng tiêu cực của người dùng. Trong một chia sẻ trên Twitter sau thông báo trên của Facebook, một người dùng với bình luận có phần mỉa mai cho rằng Facebook thực tế không muốn tìm cách ngăn thông sai sự thật, gây nhiễu loạn mà chỉ tìm cách đối phó với việc bị chính quyền các nước xử phạt. Nếu những thông tin sai, xấu độc mang lại tương tác, Facebook vẫn có thể lờ đi như không thấy.

Trong khi đó, giới công nghệ nhanh chóng đưa ra nhận định khi cho rằng các chính sách mới của Facebook thực tế là phản ứng “tự vệ” của mạng xã hội này trước đe dọa trừng phạt từ Tổng thống Donald Trump

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh nhằm tước quyền được miễn trừ pháp lý của các mạng xã hội tại Mỹ. Đây được xem là lời tuyên chiến của ông đối với tất cả mạng xã hội nói chung.

Ông khẳng định: “một bộ phận nhỏ các công ty mạng xã hội đang kiểm soát lượng lớn thông tin liên lạc cá nhân và công khai tại Mỹ. Họ sở hữu quyền lực không thể chống lại trong kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, che giấu, thay đổi bất kỳ hình thức liên lạc điện tử nào giữa công dân và công chúng”.

Các công ty mạng xã hội tại Mỹ được bảo vệ bằng Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông Mỹ. Về cơ bản, nó cho phép những hãng như Twitter, Facebook không bị quản lý như các nhà xuất bản và theo đó, họ không thể bị kiện vì nội dung của người dùng đăng tải. Ông Trump và nhiều chính trị gia khác cho rằng Điều 230 bảo vệ các công ty Internet quá nhiều và tạo điều kiện để họ trốn tránh trách nhiệm.

B.Châu (t/h)
.
.
.