Viettel sản xuất thành công thiết bị thu phát sóng 4G

Thứ Bảy, 05/11/2016, 10:09
Tập đoàn Viettel đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn về việc sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro).


Chiều 4-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong buổi làm việc này, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã báo cáo với người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông về việc sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro).

Các thiết bị do Viettel sản xuất cũng có các tính năng như của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết, trong quý I/2017, Viettel sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam; đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm cùng thời gian này. Từ 2018, Viettel sẽ tiến hành thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do chính công ty sản xuất.

Như vậy, Viettel bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng viễn thông – một lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp. Trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. 

Tất cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB) của Viettel sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao giấy phép cung cấp 4G cho Viettel.

Trước đó, Viettel đã sản xuất được hệ thống quản lý thuê bao, hệ thống tổng đài chuyện mạch 3G, hệ thống tổng đài tin nhắn kết hợp với hệ thống chặn lọc tin nhắn rác. Đây được ví như là trái tim và bộ não của hạ tầng mạng viễn thông. Các hệ thống này đều đã được đưa vào vận hành trong mạng viễn thông của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh thiết bị viễn thông, lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao đã giúp Viettel có doanh thu hàng năm gần 10.000 tỷ đồng, giúp cho đất nước tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu. Với công nghiệp Quốc phòng, Viettel đã sản xuất được máy thông tin, rađa, hệ thống quản lý và cảnh giới vùng biển, vùng trời, máy bay không người lái… 

Với việc chứng minh được năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực quân sự, Viettel đã được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Phát biểu sau buổi khảo sát, làm việc với Viettel về chiến lược nghiên cứu, sản xuất thiết bị viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông – Trương Minh Tuấn khẳng định: 

“Đây là hướng đi mới, lâu dài và được kỳ vọng sẽ giúp Viettel trở thành một tập đoàn không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn sản xuất thiết bị công nghệ cao, thực hiện mục tiêu, năm 2020 trở thành tổ hợp nghiên cứu sản xuất; trong lĩnh vực thiết bị quân sự phải trở thành một tổ hợp nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự, một tổ hợp công nghiệp quốc phòng; tự chủ được phần lớn thiết bị hạ tầng viễn thông – vấn đề cốt lõi bảo đảm an ninh mạng viễn thông Việt Nam”.

Lãnh đạo Viettel giới thiệu với Bộ trưởng hệ thống quản trị mạng lưới viễn thông.

Sau buổi làm việc, cũng trong chiều 4/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao giấy phép cung cấp 4G cho Viettel. Theo kế hoạch, Viettel sẽ cung cấp 4G chính thức trên toàn quốc vào quý I/2017 trên băng tần 1800 MHz. Viettel sẽ phủ sóng toàn quốc, vùng phủ sóng 4G của Viettel sẽ rộng như 2G với số lượng trạm thu phát sóng được là 35.000 trạm.

Về giá cước, Viettel dự kiến sẽ cung cấp với mức rẻ hơn so với hiện nay. Trước đó, Viettel đã thử nghiệm thành công công nghệ mạng 4G tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ tháng 12/2015. Kết quả thử nghiệm cho thấy, chất lượng 4G Viettel ổn định, tốc độ thực tế với các máy đầu cuối hiện đại nhất đạt 289Mbps (chuẩn cao của thế giới là 300Mbps).

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel nói: “Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động, góp phần đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trên bản đồ viễn thông thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới”.

Hiện Viettel đã sản xuất được thiết bị lõi viễn thông, hệ thống nhắn tin, hệ thống quản lý thuê bao và tính cước OCS, máy điện thoại di động. 

Viettel đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất tất cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB), không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào.

Đến năm 2018, cơ bản thiết bị mạng lõi trong mạng Viettel sẽ được thay thế bằng thiết bị do Viettel nghiên cứu sản xuất.

Thùy Linh
.
.
.