Tàu ngầm hạt nhân Anh có khả năng dính mã độc WannaCry

Thứ Tư, 24/05/2017, 18:16

Mã độc WannaCry có thể tấn công vào hệ thống máy tính đang sử dụng hệ điều hành Windows XP của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Anh.



Ngày 23-5 báo giới đưa tin, các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo lớp Vanguard của Anh sử dụng hệ điều hành Windows XP đang đứng trước nguy cơ bị mã độc WannaCry tấn công.

Kho vũ khí hạt nhân của Anh bao gồm 4 tàu ngầm lớp Vanguard, mỗi tàu có thể mang theo 16 tên lửa hạt nhân đa đầu đạn Trident. Đa số máy tính của các tàu này chạy hệ điều hành Windows XP. Đây là hệ điều hành không còn được Microsoft hỗ trợ và bị ảnh hưởng nặng nề bởi mã độc WannaCry.

Một chiếc tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh

Chuyên gia an ninh mạng Sebastian Jesson-Ward thuộc Serviceteam IT nhận định rằng, tàu ngầm hoàn toàn miễn nhiễm trước các loại virut độc hại khi hoạt động trên biển do không được kết nối Internet.

Nhưng có khả năng bọn tội phạm tấn công bằng cách cho lây nhiễm mã độc vào hệ thống máy tính tại cảng và bộ phận kỹ thuật không phát hiện được lỗi trước khi tàu ngầm quay lại hoạt động trên biển.

Tháng 6-2016, một tàu ngầm Vanguard cũng gặp lỗi về phần mềm và vô tình bắn nhầm một tên lửa đạo đạo Trident không mang đầu đạn về phía bờ biển Florida của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho rằng các tàu ngầm Vanguard luôn an toàn khi tuần tra trên biển đồng thời bày tỏ tin tưởng vào năng lực răn đe hạt nhân của nước này.

WannaCry, còn được biết đến với các tên khác như WannaCrypt, WanaCrypt0r 2.0... tấn công vào máy tính nạn nhân qua file đính kèm email hoặc link độc hại, như các dòng ransomware khác. Tuy nhiên, mã độc này được bổ sung khả năng lây nhiễm trên các máy tính ngang hàng nối mạng nội bộ.

Được ví là "cơn ác mộng", WannaCry đã khiến 16 tổ chức của Anh bị ảnh hưởng, trong đó Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) phải từ chối bệnh nhân, hủy bỏ các hoạt động và sắp xếp lại lịch hẹn. Các nạn nhân khác của mã độc tống tiền này còn có công ty viễn thông Telefónica, MegaFon hay hãng vận chuyển FedEx.

HS (theo internet)
.
.
.