Công nghệ đang khiến con người sa lầy

Thứ Sáu, 06/11/2015, 15:49
Công nghệ không chỉ đã và đang mang đến những thứ tuyệt vời, biến những điều trước kia tưởng chỉ là khoa học viễn tưởng, nhưng nay đã trở thành hiện thực. Song, nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng việc lạm dụng quá nhiều các tiện ích và thiết bị công nghệ một thời gian dài có thể mang đến những kết quả hoàn toàn trái ngược với lợi ích của chúng.


Sự gia tăng công nghệ trong nơi làm việc có thể dẫn tới giảm năng suất lao động, trong khi đem công nghệ về nhà có thể làm mất đi thời gian nhàn rỗi. Sự quá ỷ lại vào công nghệ đang khiến con người tốn thời gian hơn, ích kỉ hơn và tất nhiên là lười hơn và bất an hơn.

Mặt trái của sự tích cực

Không thể phủ nhận Internet đã có những đóng góp rất to lớn cho nhân loại, đem lại cho con người cảm giác chân thực về một cộng đồng toàn cầu và chứa đựng một kho kiến thức khổng lồ mà không có bất kỳ một thư viện nào có thể sánh được. Tuy nhiên, Internet không đóng góp được nhiều cho vốn từ vựng của các ngôn ngữ. 

Trong thời đại này, những người nói tiếng Anh ở khắp nơi trên thế giới đang dần sử dụng “u” thay vì “you” (bạn), người Romania đang dần thay thế “ca” bằng “k”, người Đức đang dần thay thế từ “liebe Grüße” (lời chúc) bằng “lg”. Trong tiếng Tây Ban Nha từ “también” (cũng) đang dần trở nên không còn được sử dụng mà thay vào đó là từ viết tắt “tmb”. Tất cả những điều này dường như hé lộ một vấn đề: từ lóng trên Internet đang dần đặt dấu chấm hết cho chuẩn mực của ngôn ngữ bấy lâu nay.

Theo một số nhà nghiên cứu, việc thay thế các từ bằng chữ cái viết tắt là một việc khó có thể chấp nhận đối với các bài viết mang tính học thuật. Giới nghiên cứu luôn mong muốn có thể xuất bản các bài viết dễ hiểu nhất có thể, đáp ứng được phạm vi độc giả lớn nhất có thể, vì vậy không có lý do gì để người đọc phải cố gắng suy luận những cụm từ viết tắt trong đó. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng trong các cuộc trò chuyện cá nhân, các biên bản tốc kí ở các phiên tòa hoặc trong các tin nhắn, thì không cần phải chú trọng đến vấn đề viết tắt hay đầy đủ.

Ngôn ngữ luôn thay đổi một cách hữu cơ dù muốn hay không, mà điều đó do thỏa thuận về phương thức giao tiếp giữa các cá nhân dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau. Theo đó, chỉ nên lo ngại khi bắt gặp các bài viết trên mạng từ các ấn phẩm quan trọng sử dụng lối dùng từ viết tắt thông dụng hiện nay do ảnh hưởng của mạng Internet.

Tờ The Daily Mail (Anh) dự đoán, sẽ có khoảng 50 tỉ thiết bị kết nối Internet trong 5 năm nữa. Sự phức tạp của công nghệ không ngừng gia tăng, những phần mềm ngoài thị trường về cơ bản vẫn là những phiên bản chưa hoàn chỉnh, vĩnh viễn nằm trong trạng thái thử nghiệm và nâng cấp. Khi ấy, con người sẽ có nguy cơ tốn nhiều thời gian hơn cho những việc “linh tinh” mà các sản phẩm công nghệ cao yêu cầu. Các thiết bị kết nối Internet có thể trở nên lạc hậu, cần phải được cập nhật và sửa lỗi liên tục theo thời gian để khắc phục các hiểm họa về an ninh và vi phạm quyền riêng tư. 

Điều này khiến các món đồ công nghệ cao lấn át phần lớn thời gian các cá nhân dành cho người thân, sự nghỉ ngơi cá nhân cũng như nhiều hoạt động khác. Ngoài ra, sẽ rất khó khăn để nhớ hết từng tài khoản trực tuyến cho từng thiết bị “Internet vạn vật”. Với nhiều thiết bị khác nhau và không thống nhất, việc quản lý các thiết bị cá nhân và danh tính số có thể là một công việc nặng nề.

Việc chuyển một số lượng lớn những vật dụng “thông thường” thành những thiết bị thông minh có kết nối mạng có thể mang đến nhiều căn bệnh làm điên đầu hàng tỉ người. Giới khoa học mới đây công bố thêm một hội chứng mới ra đời theo sự phát triển của mạng xã hội và các phụ kiện công nghệ có tên FOMO (tạm dịch: sợ bỏ lỡ điều gì đó). Hội chứng này miêu tả trạng thái khi một ai đó dính chặt lấy Facebook hay Twitter vì sợ sẽ bỏ lỡ một cuộc nói chuyện trên mạng xã hội thay vì bước ra ngoài cuộc sống cùng giao tiếp thực với bạn bè và gia đình.

Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát của tờ The Daily Mail cho biết, trẻ vị thành niên là những người bị tác động bởi Internet nhiều hơn cả. Có tới 87% giáo viên đồng ý với quan điểm: “Công nghệ số ngày nay đã tạo ra một thế hệ có khả năng tập trung kém và rất dễ bị sao nhãng trong thực tế bằng nhiều chiêu trò phân tán sự chú ý theo mục đích của những nhà phát triển hơn là phục vụ học tập”. 

Ngoài ra, cuộc khảo sát này còn nhấn mạnh, công nghệ là một trong số những thủ phạm chính của hiện tượng “dễ quên”. Số lượng người sử dụng những sản phẩm công nghệ tiến bộ đang ngày càng tăng, và tương ứng với đó là những người thường xuyên ngơ ngác vì thiếu ngủ cũng gia tăng, dẫn tới sự quên lãng mức độ cao.

 Việc dành quá nhiều thời gian trên Internet hoặc sử dụng các sản phẩm công nghệ cao có thể gây ra những thay đổi trong não bộ giống như trí óc của những người nghiện rượu hoặc ma túy. Những “con nghiện Internet” - đặc biệt là các game thủ, những người bỏ bê mọi hoạt động xung quanh để triền miên ngày dài bên các trò chơi trực tuyến - có vùng chất xám và trắng bất thường tồn tại trong não. Họ bị thương tổn tất cả những vùng não bộ liên quan trực tiếp đến khả năng tập trung sự chú ý, cảm xúc, hoặc khả năng tạo quyết định.

Internet ngày nay như là một “ổ cứng ngoài” của bộ não con người. Mọi thông tin đều có thể được tìm kiếm thông qua nó, khiến con người ngày càng trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Internet. Loài người đang dần mắc phải căn bệnh “tạm quên đi cả những kiến thức cơ bản nhất và hãy chăm chỉ hỏi Google”, với một hậu quả nhãn tiền là bệnh lười gia tăng, cùng với khối lượng tri thức bản thân tự tích lũy dần giảm sút cũng như mất dần khả năng ghi nhớ.

Giải pháp đến từ chính mỗi cá nhân

Công nghệ ngày càng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người một cách sâu sắc, thậm chí còn tác động đến hành vi, thói quen sinh hoạt và những giá trị của cuộc sống. Có vẻ như đại đa số đang gánh chịu những phiền phức nhiều hơn là hưởng lợi, và chịu sự lệ thuộc rõ ràng vào công nghệ. Không phải ai khác mà chính mỗi cá nhân là những người cần hành động để giải quyết vấn đề này. Ở Hàn Quốc, không chỉ có các trung tâm phục hồi cho thanh thiếu niên nghiện Internet mà họ còn đưa hẳn vào chương trình giảng dạy cho các bé nhỏ tuổi cách để tự bảo vệ mình khỏi các tiện ích kĩ thuật số và công nghệ.

Chính các hành động nhỏ trong gia đình cũng sẽ giúp mọi người bớt thời gian dành cho các sản phẩm công nghệ và tránh được tác hại của chúng. Với các trẻ còn bé, lời khuyên của các nhà khoa học là không nên để cho các bé tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Sóng của điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, cũng như việc tiếp xúc với các màn hình điện tử quá sớm có thể dẫn đến việc trẻ bị suy yếu về thị lực. Với những cô cậu thanh thiếu niên, vấn đề cần được giải quyết tinh tế hơn. Những ông bố, bà mẹ nên tiếp xúc với con cái nhiều hơn, hiểu chúng hơn, và hướng dẫn đầy đủ về cách sử dụng những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính cho mục đích tốt.

“Cá nhân hóa” và nâng cao cái “tôi” của mỗi con người là một trong những xu thế thúc đẩy sự phát triển và đem lại doanh số khổng lồ cho ngành viễn thông. Các nhà sản xuất, bằng mọi cách, kích thích nhu cầu sở hữu riêng các sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân. Tuy vậy, chính các thiết bị liên lạc thông minh đó lại góp phần làm giảm sự liên kết giữa con người với con người trực tiếp, giao tiếp “mặt đối mặt” ngày càng hạn chế cũng như làm lỏng lẻo sợi dây kết nối trong các gia đình. 

Giải pháp tốt nhất vẫn là nên hạn chế sự có mặt của đồ công nghệ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Những bữa cơm ấm cúng, những buổi trò chuyện ân cần sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều nếu chúng không bị phá vỡ bởi tiếng chuông điện thoại của bố mẹ hay bởi những trò chơi điện tử “không thể rời tay” của con cái.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ là một bước tiến nhảy vọt của nhân loại. Không ai nghi ngờ sức mạnh của Internet hay các sản phẩm công nghệ cao, nhưng con người đang sử dụng chúng như thế nào. Song song với những lợi ích to lớn lại là hàng loạt các ảnh hưởng tiêu cực, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên đời sống của con người. 

Ảnh hưởng này cũng như những biến đổi khí hậu, có thể chưa đe dọa đến sự tồn tại của hành tinh này ngay lập tức, mà gây hại cho chất lượng và tương lai sau này của con người. Vậy nên, hãy cân đối lại thời gian sử dụng công nghệ trong ngày và tăng cường hơn nữa cho các hoạt động ngoài trời (thể thao, du lịch, hoạt động xã hội). Hãy tận dụng công nghệ, nhưng đừng lệ thuộc vào nó…

Anh Doãn
.
.
.