Hé lộ nguyên nhân giết chết các phi hành gia Apollo

Thứ Ba, 02/08/2016, 08:50
Giáo sư Michael Delp ở đại học bang Florida đã xác định được mối liên quan giữa tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và tỷ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch đối với các phi hành gia đã bay vượt ra ngoài quỹ đạo thấp của trái đất (LEO) trong chương trình Apollo. Nghiên cứu dựa trên những phát hiện có thể được sử dụng để bảo vệ các phi hành gia thám hiểm không gian có người lái giai đoạn tiếp theo.

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu và giảm thiểu những rủi ro cho sức khỏe của các phi hành gia đang hoạt động ngoài quỹ đạo thấp (LEO). Nghiên cứu trong lĩnh vực này đã dẫn tới sự phát triển các thiết bị và chế độ luyện tập được thiết kế đặc biệt nhằm duy trì sức khỏe của các phi hành gia hoạt động trong môi trường không trọng lực giống như ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Hình ảnh phi hành gia Buzz Aldrin trên mặt trăng. Ảnh: NASA.

Tuy nhiên, khi các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc - thậm chí cả các tổ chức thương mại như SpaceX, cũng đang tập trung vào lĩnh vực thăm dò vũ trụ có người lái, một hình thức nguy hiểm khác cần phải được xem xét – đó là mối đe dọa từ bức xạ vũ trụ.

Các phi hành gia LEO, chẳng hạn như thành viên các phi hành đoàn của ISS phần lớn được bảo vệ khỏi bức xạ vũ trụ nhờ vào lớp bảo vệ từ quyển của trái đất có tác dụng làm chệch hướng các hạt nguy hiểm phát ra từ mặt trời.

Các thành viên của chương trình Apollo bay ra ngoài quỹ đạo thấp đã không được bảo vệ như vậy và đã chịu sự tiếp xúc trực tiếp với bức xạ vũ trụ. Bản chất của thám hiểm không gian đòi hỏi người tiên phong đi vào nơi mà loài người chưa từng được biết tới và cũng không tiến hóa để tồn tại trong môi trường đó. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai là học hỏi từ những kinh nghiệm của những con người dũng cảm đã mạo hiểm vượt ra ngoài môi trường không trọng lực.

Nghiên cứu của giáo sư Delp đã tiến một bước xa hơn bằng cách quan sát nguyên nhân gây ra cái chết cho các phi hành gia Apollo nhằm xác định các rủi ro cho các nhà thám hiểm trong tương lai. Từ năm 1968 đến 1972, Apollo tiến hành 9 chuyến bay có người lái bay qua quỹ đạo thấp vào vũ trụ. Trong số 24 phi hành gia trong các phi hành đoàn trên tàu vũ trụ, có 8 phi hành gia đã qua đời.

Hình ảnh trái đất như “treo trên mặt trăng” được ghi lại trong sứ mệnh của Apollo 11.

Sau khi xem xét nguyên nhân của cái chết, giáo sư Delp nhận thấy rằng 43% các phi hành gia Apollo đã trở thành nạn nhân của các vấn đề tim mạch, một tỷ lệ cao hơn 5 lần so với phi hành đoàn mặt đất hay những phi hành gia không vượt ra ngoài từ quyển bảo vệ trái đất. Theo giáo sư Delp, có thể các khiếm khuyết về tim mạch là kết quả của sự tiếp xúc với bức xạ vũ trụ.

Để khám phá sâu lý thuyết của mình, giáo sư Delp cho chuột thí nghiệm với liều bức xạ tương tự như các phi hành gia hoạt động trong vũ trụ hấp thụ bức xạ. Và ông phát hiện ra rằng, 6 tháng sau khi chuột tiếp xúc với bức xạ - tương đương với 20 năm của con người, con vật thí nghiệm bắt đầu biểu lộ những dấu hiệu của suy động mạch. Đó chính là sự khởi đầu của các bệnh về tim mạch.

Hình ảnh bề mặt mặt trăng được ghi lại trong sứ mệnh của Apollo 11.

Có bằng chứng về mối liên quan giữa việc tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và suy giảm chức năng tim mạch, giáo sư Delp hiện đang làm việc với NASA để phát triển các phương pháp chống lại các tác động của bức xạ vũ trụ. Chất chống oxy hóa đang được xem xét như một phương pháp điều trị tiềm năng bởi nó có thể bảo vệ các mạch máu của một nhà thám hiểm không gian.

Năng lực để giảm thiểu những nguy hiểm cho các phi hành gia trong tương lai gây ra bởi bức xạ vũ trụ mang ý nghĩa sống còn nếu NASA đạt được tiến bộ trong sứ mệnh nghiên cứu sao Hỏa, bước tiếp theo trong đó liên quan đến sự phát triển của môi trường sống lâu dài ở vành đai chính trong không gian giữa trái đất và mặt trăng.

Khắc Hiền (theo newatlas)
.
.
.