Điều chưa biết về các chuyến thám hiểm mặt trăng của tàu Apollo

Thứ Hai, 27/07/2009, 15:12
Đã có nhiều cuốn sách và bài báo về các chuyến tàu vũ trụ “Apollo”, nhưng còn nhiều chuyện trong chương trình này chưa được biết đến. Mới đây có những tình tiết trong các chuyến bay lên mặt trăng mới được tiết lộ.
>> 10 điều thú vị trong cuộc đổ bộ đầu tiên lên mặt trăng

Chuyện về lá cờ đầu tiên

Vào ngày 20/7/1969, các phi hành gia người Mỹ Amstrong và Oldrin đã hạ xuống bề mặt của mặt trăng ở vùng biển Yên Tĩnh, bước khỏi con tàu và ở trên đó khoảng 2 giờ. Họ cắm quốc kỳ Mỹ, các thiết bị khoa học, lấy 20 kg mẫu đất mặt trăng và chụp hơn 100 tấm hình. Trong 3 năm tiếp theo, đã có 5 chuyến thám hiểm nữa tới mặt trăng.

Tấm ảnh chụp Oldrin chào trước quốc kỳ Mỹ đã được công bố nhiều lần. Nhưng trong việc này người ta không cho biết là từ lâu lá cờ này đã không còn đứng trên mặt trăng. Nó đã được đặt quá gần con tàu và được cắm xuống đất bằng tay và vào thời điểm xuất phát, dòng khí của động cơ tên lửa đã ép lá cờ xuống đất.

Oldrin chào trước quốc kỳ Mỹ.

Amstrong và Oldrin đã nhận thấy lá cờ bị đổ, nhưng họ quyết định im lặng: chuyện đó mới chỉ được nói đến vài năm trước đây. Sau 40 năm chắc khó còn lại lá cờ được làm từ tấm vải nylon nằm trên bề mặt đất, nơi vào ban ngày bị đốt nóng đến hơn 100oC. Trong những chuyến thám hiểm sau, các lá cờ được đặt một cách bài bản hơn: cách xa tàu, được đóng xuống đất bằng búa, do đó chúng đứng được lâu.

Người ta không thay tàu trong chuyến bay

Trong chuyến bay của tàu Apollo-13 đã có sự cố xảy ra: trên đường tới mặt trăng, bình chứa ôxy ở bên trong modul phục vụ đã bị nổ làm con tàu mất hết ôxy. May mắn là modul mặt trăng gắn vào tàu chính vẫn còn hoạt động được, và nhờ động cơ của nó, các phi hành gia đã điều chỉnh thành công đường bay và quay về trái đất. Trong chế độ tiết kiệm ôxy, nước và năng lượng tối đa, vẫn còn đủ nhiên liệu để bay ngược lại.

Điều đó sẽ không ai được biết

Trong chương trình của máy tính trên tàu Apollo-14 đã có một sai sót, khi người ta phát hiện ra nó, con tàu đã đang trên đường bay tới mặt trăng. Do sai sót đó, khi hạ xuống mặt trăng máy tính phải ngưng lại và khởi động chương trình quay lại quỹ đạo trong chế độ sự cố.

Tại trung tâm điều khiển con tàu ở NASA người ta đã phải khẩn cấp lập ra phương pháp vô hiệu hóa sai sót đó và truyền các lệnh lên tàu để các phi hành gia nạp chúng vào máy tính. Nhưng, trong khi sửa lỗi đó trong chương trình, người ta lại mắc phải lỗi khác và do lỗi này máy định vị vô tuyến để điều khiển việc hạ cánh ngừng cung cấp dữ liệu về độ cao và tốc độ bay.

Trong tình huống như vậy, theo hướng dẫn là phải ngưng việc hạ cánh và quay lại quỹ đạo, nhưng chỉ huy tàu là Alan Shepard vẫn quyết định điều khiển tàu hạ cánh dần. May mắn là việc khóa chết radar chỉ có tác dụng đến độ cao nhất định, ngay trước khi tiếp đất nó hoạt động trở lại và Apollo-14 hạ xuống thành công.

Modul phục vụ của “Apollo-13” sau khi tách ra (ảnh trái) và chắn bùn xe rover sau khi sửa chữa.

Sau khi tiếp đất, Edgar Mitchell, thành viên thứ 2 của tàu đã hỏi Shepard: “Nếu như radar vẫn không chạy, anh có quyết định hạ cánh không?”, Shepard cười, trả lời: “Điều đó thì anh không bao giờ biết được!”. Bây giờ điều đó vĩnh viễn là bí ẩn: Shepard đã qua đời vào năm 1998 vì bệnh máu trắng.

Những người sửa ôtô trên Mặt Trăng

Hai chuyến thám hiểm cuối cùng không được may mắn: do thiếu thận trọng, các phi hành gia đã làm hỏng chiếc chắn bùn mỏng manh bằng chất dẻo trên các bánh xe của chiếc rover (xe điện nhỏ, 2 chỗ ngồi, dùng để đi lấy mẫu địa chất).

Các phi hành gia trên Apollo-17 quyết định tự chữa lấy phương tiện giao thông của mình. Họ dùng băng keo dán vài tờ từ tập bản đồ dự trữ, được in trên bìa carton, thành một miếng lớn và dán lên phần còn lại của chắn bùn và họ tỏ ra hài lòng với kết quả làm việc của mình

Hoàng Thương (theo Sự thật Thanh niên)
.
.
.