Tiếp nhận 14 công dân bị mua bán từ Lào về Việt Nam

Thứ Sáu, 11/03/2022, 15:13

Ngày 11/3, tại Hà Tĩnh, Cục Đối ngoại, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức lễ tiếp nhận, bàn giao 14 công dân bị mua bán từ Lào về Việt Nam.

 Cùng dự có đại diện Bộ Công an Lào, Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation) ...

Theo thống kê của Bộ Công an, những năm gần đây, mỗi năm, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, sống ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm, trình độ thấp... Trong năm 2021 vừa qua, tuy bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới, khu vực và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, song hoạt động của tội phạm mua bán người không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Đặc biệt, tình hình mua bán người qua biên giới diễn ra rất phức tạp, xảy ra ở hầu hết trên các địa phương trong cả nước.

Luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm -0
Toàn cảnh buổi lễ.

Trước thực trạng mua bán người ngày càng có những diễn biến phức tạp, mặc dù phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch COVID-19, nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cùng các bộ, ban, ngành Việt Nam luôn coi công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nhiều văn bản quy định và triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn loại tội phạm này. Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với phương châm lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người.

Hiện các bộ, ban, ngành liên quan của Việt Nam cũng đang xây dựng các quy trình quy chuẩn rõ ràng về công tác xác minh, tiếp nhận bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong nước và mua bán ra nước ngoài, các chính sách chế độ cụ thể để hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện nội luật liên quan đến phòng, chống mua bán người trong đó, tập trung vào việc sửa đổi chế độ chính sách và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ và ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm -0
Ban Tổ chức trao quà tặng các nạn nhân.

Để công tác xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân được hiệu quả và thực chất, công tác phối hợp liên ngành trong và ngoài nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của CAND, Cục Đối ngoại đã có sự chủ động, đáp ứng được yêu cầu kịp thời, cấp bách trong phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, đánh giá cao sự hợp tác và những đóng góp vô cùng quan trọng trong chia sẻ thông tin, phối hợp chuyển tuyến nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nạn nhân từ các cơ quan chức năng của Bộ Công an Lào, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, trong đó có Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người và trợ giúp nạn nhân, Cục Đối ngoại sẽ tiếp tục duy trì cơ chế hợp tác quốc tế với cơ quan chức năng của Lào và các nước cũng như phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này. Đồng thời đề nghị Công an các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Đối ngoại xác minh, tra cứu thông tin đối tượng có liên quan về đường dây mua bán có yếu tố nước ngoài, cũng như trong quá trình đấu tranh truy bắt, giải cứu nạn nhân.
 

Khổng Hà
.
.